Chính phủ Yemen bổ nhiệm Thủ tướng mới: Nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình
Hội đồng Tổng thống Yemen đã bổ nhiệm Ngoại trưởng Ahmed Awad bin Mubarak làm Thủ tướng trong một động thái được giới phân tích đánh giá có thể “chọc giận” lực lượng Houthis ở nước này. Tuy nhiên, diễn biến mới bất ngờ này được coi là nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình ở Yemen, góp phần giúp quốc gia này cũng như cả khu vực Trung Đông an toàn, ổn định.
Chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen hiện đặt trụ sở ở Aden và được dẫn dắt bởi Chủ tịch Hội đồng Tổng thống (PLC) Rashad al-Alimi, người lên nắm quyền từ tháng 4-2022. Sắc lệnh số 56 do hội đồng này ban hành, đã được Hãng thông tấn chính thức Saba của Yemen đăng tải, công bố việc bổ nhiệm ông Ahmed Awad bin Mubarak làm Thủ tướng. Về phần mình, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Abdulmalik Saeed được chỉ định làm Cố vấn Chủ tịch Hội đồng Tổng thống.
Mặc dù sắc lệnh nói trên không nêu lý do cho việc thay thế, nhưng giới quan sát cho rằng, kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại, đặc biệt là ở phương diện ứng xử với phương Tây của ông Ahmed Awad bin Mubarak với cương vị cao hơn có thể gỡ những nút thắt để chèo lái Chính phủ Yemen qua giai đoạn khó khăn giữa bối cảnh chính trị quốc tế phức tạp như hiện nay. Nhà lãnh đạo này từng đảm nhiệm nhiều trọng trách trong ngành ngoại giao Yemen, như cựu Đại sứ Yemen tại Mỹ, hay Đại diện Thường trực của Yemen tại Liên hợp quốc vào năm 2018… trước khi được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Yemen từ năm 2020.
Mục tiêu nói trên được thể hiện rõ nét khi việc bổ nhiệm ông Ahmed Awad bin Mubarak diễn ra đúng vào thời điểm căng thẳng gia tăng ở quốc gia nghèo nhất Bán đảo Ả rập, nhất là sau một loạt cuộc tấn công ở biển Đỏ của Houthis. Lực lượng này đã thực hiện nhiều cuộc tấn công vào các tàu thuyền với tuyên bố nhằm thể hiện sự đoàn kết với người Palestine và phản đối cuộc xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza. Tuy nhiên, động thái này đã gây gián đoạn tuyến đường biển quan trọng của thương mại quốc tế, dẫn đến các cuộc tấn công trả đũa của Mỹ, Anh và một số đồng minh.
Theo Lầu Năm Góc, Houthis đã thực hiện hơn 30 cuộc tấn công nhằm vào các tàu thương mại và tàu hải quân ở biển Đỏ kể từ ngày 19-1-2024. Gần đây, Người phát ngôn Mohammed Abdul Salam của Houthis còn cho biết, lực lượng này sẵn sàng tăng cường các biện pháp ngăn chặn những hành động gây hấn của Mỹ - Anh, đồng thời tuyên bố hai nước phương Tây nên hối thúc Israel ngừng hoạt động quân sự ở Dải Gaza thay vì tìm cách leo thang và kích động một cuộc xung đột mới ở Trung Đông.
Mặt khác, Yemen đã rơi vào nội chiến kể từ năm 2014, khi Houthis tràn vào thủ đô Sanaa và phần lớn miền Bắc đất nước. Ngay sau đó, liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp để cố gắng khôi phục chính phủ được quốc tế công nhận lên nắm quyền. Xung đột đã tàn phá quốc gia Tây Á này, tạo ra một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, với khoảng 24,1 triệu người đang cần viện trợ và bảo vệ.
Trong những tháng gần đây, Houthis chấp thuận tham gia vào các cuộc đàm phán với Saudi Arabia, và đạt được những kết quả tích cực để khôi phục lệnh ngừng bắn đã hết hạn. Các cuộc đàm phán này là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột. Saudi Arabia cũng khôi phục quan hệ với Iran vào năm 2023, làm dấy lên hy vọng về tiến trình hòa bình ở Yemen. Giữa bối cảnh chính trị như vậy, sự xuất hiện của một “chuyên gia đối ngoại” dẫn dắt Chính phủ Yemen dĩ nhiên hết sức quan trọng, nhất là khi các nỗ lực hòa bình đang đình trệ do xung đột Israel - Hamas.
Tuy nhiên, các ý kiến bình luận cũng đánh giá, việc bổ nhiệm ông Ahmed Awad bin Mubarak có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Houthis và Chính phủ Yemen. Lý do là bởi ông Ahmed Awad bin Mubarak luôn được xem là "đối thủ lâu năm" của Houthis. Thực tế, tân Thủ tướng Yemen chính là một trong những "kiến trúc sư của liên quân Ả rập do Saudi Arabia dẫn đầu" chống lại Houthis để hỗ trợ Chính phủ Yemen. Houthis cũng từng bắt cóc ông Ahmed Awad bin Mubarak và giam giữ trong khoảng 10 ngày. Trong những phát biểu gần đây, ông Ahmed Awad bin Mubarak cũng kêu gọi Liên minh châu Âu xếp Houthis vào danh sách khủng bố, đồng thời không ngừng thúc đẩy tăng cường hỗ trợ quân sự cho các lực lượng Chính phủ Yemen.
Dù thế nào, Yemen sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá cần phải sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng đang đẩy người dân ở quốc gia này tới bờ vực của sự tuyệt vọng. Việc bổ nhiệm Thủ tướng mới có thể "chắp cánh" cho nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình ở Yemen, một động thái không chỉ giúp bảo đảm lợi ích cho chính quốc gia này mà còn vì một khu vực Trung Đông an toàn và ổn định.