Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch của Chương trình số 05-CTr/TU: Giải tỏa áp lực chặng cuối
Hợp phần về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch tại Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội được nhận định là những nhiệm vụ, chỉ tiêu lớn và khó, quá trình thực hiện phức tạp, kéo dài. Bước vào chặng cuối của thời gian thực hiện, thành phố cùng cơ quan thường trực chương trình đang nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm.
Nhận diện nhiều thách thức
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 05-CTr/TU về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025”.
Cụ thể hóa chương trình, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 16-7-2021, gồm 13 chỉ tiêu và 94 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, đề án, dự án. Kết quả đến nay khoảng 84,62% chỉ tiêu đang thực hiện, trong đó có 3 chỉ tiêu quy hoạch. Có 51 nhiệm vụ về lĩnh vực quy hoạch được giao tại Chương trình, đến nay đã hoàn thành 17 nhiệm vụ (đạt 33%), 33 nhiệm vụ đang trong quá trình thực hiện hoặc chưa được phê duyệt (chiếm 65%)...
Là cơ quan thường trực của chương trình, trong năm 2023, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã tập trung chỉ đạo lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch cũng như đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đồ án thiết kế đô thị... Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, UBND thành phố đã phê duyệt 100% quy hoạch chung đô thị.
Về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy thông tin, 7 đồ án quy hoạch chuyên ngành được lập và phê duyệt, chủ yếu thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, giải quyết các định hướng hạ tầng khung cho đô thị. Đặc biệt, Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - thành phố Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đồ án quan trọng làm cơ sở để phát triển không gian ngầm trong các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết…
Bên cạnh những kết quả nêu trên, Ban chỉ đạo Chương trình cũng xác định nhiều khó khăn, vướng mắc đã và đang tiếp tục ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn còn lại. Cụ thể, việc triển khai khối lượng lớn các quy hoạch vùng huyện, đồ án quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết trên địa bàn Thủ đô diễn ra trong bối cảnh có sự thay đổi về chủ trương, cơ chế chính sách, quy định của pháp luật cùng với việc rà soát, khớp nối đồng bộ với các quy hoạch, dự án khác mất nhiều thời gian và gây ra không ít khó khăn. Đồ án quy hoạch ngành, mạng lưới, lĩnh vực... còn chưa đồng bộ với quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất.
Đặc biệt, các quy hoạch về vệ sinh môi trường, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, nhà tang lễ, nghĩa trang... vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của người dân. Việc tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan đối với đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 còn chưa bảo đảm tiến độ, thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến việc hoàn thiện hồ sơ nhiệm vụ.
Tập trung tháo gỡ khó khăn
Trước áp lực nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu trọng tâm cần gấp rút thực hiện từ nay cho đến cuối nhiệm kỳ, Ban chỉ đạo Chương trình xác định sẽ thường xuyên tổ chức kiểm tra, đồng hành cùng các đơn vị, sở, ngành có liên quan nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm có sự kết nối chặt chẽ, đồng bộ trong quản lý, tổ chức thực hiện.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Lưu Quang Huy cho hay, riêng với công tác quy hoạch, thành phố tập trung hoàn thành, bảo đảm chất lượng, tiến độ đối với 3 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Đồ án Quy hoạch Thủ đô; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Chương trình phát triển đô thị. Bên cạnh đó, việc hoàn thành phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện; Quy hoạch phân khu Ga Hà Nội, quy hoạch phân khu đô thị tại các đô thị vệ tinh… cũng sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, quy hoạch là lĩnh vực tổng hợp nên thành phố cần chỉ đạo đổi mới quy trình lập quy hoạch, đa dạng hóa công tác tư vấn, phản biện, huy động nguồn lực trí thức và cộng đồng. Các cơ quan, đơn vị cũng cần chủ động nghiên cứu rà soát, điều chỉnh các quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng liên quan bảo đảm thống nhất, đồng bộ ngay sau khi các đồ án Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Nhằm tháo gỡ các vướng mắc, rào cản đối với lĩnh vực quy hoạch, bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất, kiến nghị với Trung ương bổ sung, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn liên quan.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Chương trình xác định giải pháp hữu hiệu nhất là sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền cùng các sở, ngành trong chỉ đạo công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, kiến trúc, trật tự xây dựng, hướng tới hoàn thành các mục tiêu Chương trình số 05-CTr/TU đến năm 2025.