Văn hóa

Mỹ thuật cảm tác từ hình tượng rồng: Sáng tạo, tươi mới, hiện đại

An Nhi 04/02/2024 - 08:20

Càng những ngày cận Tết Nguyên đán, tranh, tượng đón Tết càng vào mùa sôi động. Đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn, hình tượng rồng - con vật biểu trưng của năm mới, gợi nhiều cảm hứng cho nghệ sĩ với rất nhiều tạo hình sáng tạo, tươi mới, hiện đại. Bên cạnh sự góp mặt của những nghệ sĩ tạo hình kỳ cựu, các nghệ sĩ trẻ cũng tạo dấu ấn.

du-khach-tham-quan-trien-la.jpg
Du khách tham quan triển lãm “Vẽ con rồng” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Tạo hình ấn tượng, giàu ý nghĩa

Trong 12 con giáp, rồng là con vật duy nhất không có trong đời thực. Tuy nhiên, đây là con vật cùng lúc mang hai biểu tượng, đó là biểu tượng của vương quyền trong thời phong kiến và biểu tượng tín ngưỡng, xuất hiện nhiều trong mỹ thuật Việt Nam. Từ sau Tết Dương lịch 2024, nhiều triển lãm mỹ thuật có chủ đề về rồng thu hút công chúng. Triển lãm “Mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024” do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, nhiều họa sĩ hội viên kỳ cựu đã chọn rồng để mở đầu hoạt động sáng tác của năm mới. Họa sĩ Nguyễn Tiến Dũng “Chào Giáp Thìn 2024” bằng tác phẩm acrylic mang hình tượng con rồng uy nghiêm, họa sĩ Lê Văn Thìn tạo hình rồng kỳ công trong bức sơn mài “Long Vân Khánh hội”, họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng với tác phẩm “Long thổ chủ” đa màu sắc, giàu hình tượng…

Nhóm G39 quy tụ nhiều nghệ sĩ tạo hình tên tuổi như mọi năm tiếp tục mở triển lãm “Rồng” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để các nghệ sĩ khoe những tác phẩm mới về con vật này. Hơn 90 tác phẩm với nhiều chất liệu như sơn dầu, bột màu, sơn mài, giấy dó, acrylic, gốm Hương Canh, gốm Phù Lãng... của các họa sĩ, nhà điêu khắc quen thuộc đã cho thấy đây là nguồn cảm hứng dồi dào. Có thể kể đến tác phẩm gốm “Tiên rồng” của nghệ sĩ Vũ Hữu Nhung, “Đợi xuân” của họa sĩ Tào Linh, bức “Cùng chơi rước rồng” của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng hay tranh “Rước rồng” của họa sĩ Lê Thiết Cương với phong cách tối giản đặc trưng… Đại diện nhóm G39, họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ, các tác phẩm tại triển lãm được sáng tạo từ sự tiếp nối và kế thừa di sản rồng trong mỹ thuật của cha ông ta thời xưa, tạo nên một không khí lễ hội về rồng vừa truyền thống, vừa hiện đại…

Như thường niên, nghệ nhân, họa sĩ Nguyễn Tấn Phát thực hiện hàng nghìn tượng độc bản về con vật biểu trưng. Năm nay, anh đã chọn hình tượng rồng thời Lý xuyên suốt để cảm tác 1.000 tác phẩm tượng sơn mài. Theo nghệ nhân này, rồng thời Lý là hình tượng thuần Việt, thể hiện rõ tính cách của người Việt Nam. Điểm nhấn trong bộ sưu tập rồng của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát năm nay là chiếc ghế rồng cao 1,65m, rộng 2m, được chế tác từ sơn mài trên gỗ lũa, dát 2.500 lá vàng, khảm vỏ cửu khổng (bào ngư), vỏ trứng… Ghế có hình con rồng với 5 móng vững chãi và mạnh mẽ, đuôi rồng như lá bồ đề, tư thế uốn lượn mang đậm ý nghĩa về văn hóa cội nguồn người Việt. Để giới thiệu văn hóa dân tộc cũng như quảng bá vẻ đẹp làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) quê hương, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát mở không gian trưng bày miễn phí cho công chúng vào thưởng lãm các tác phẩm trong suốt quá trình tạo tác. Thời gian này, nơi đây trở thành địa điểm thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm, tham quan và “check-in” nghệ thuật…

Dấu ấn thế hệ tạo hình mới

Bên cạnh những nghệ sĩ tạo hình tên tuổi, năm nay, nhiều người trẻ cũng tham gia sáng tác những sản phẩm có hình tượng rồng. Triển lãm “Vẽ con rồng” diễn ra tại Di tích Hoàng thành Thăng Long và Văn Miếu - Quốc Tử Giám, do các họa sĩ trẻ thực hiện bằng công nghệ kỹ thuật số mang đến những tạo hình rồng mới mẻ, đáng yêu, gần gũi nhưng vẫn giữ được dáng vẻ uy nghiêm vốn có. Hai địa điểm giới thiệu hơn 100 tác phẩm của các tác giả toàn quốc, được chọn lựa từ thử thách “Vẽ con rồng” do doanh nghiệp sáng tạo Tired City và cộng đồng họa sĩ minh họa trẻ Việt Nam Local Artist Group tổ chức. Tạo hình rồng qua góc nhìn của người trẻ lấy cảm hứng từ truyền thuyết, văn hóa, phim ảnh, truyện hay kết hợp với những hình tượng trong đời sống hằng ngày hoặc tưởng tượng của tác giả. Như tác giả Kiều Như Trang với tác phẩm “Kết duyên” lấy cảm hứng từ hình tượng trầu têm cánh phượng. Tác giả Đặng Thái Tuấn lại để trí tưởng tượng bay cao với tác phẩm “Hãng rồng bay Việt Nam” thể hiện tinh thần kết nối ba miền Bắc - Trung - Nam. Họa sĩ trẻ Duy Hồ lấy cảm hứng từ truyền thuyết giấc mơ rồng trong hành trình tìm “miền đất hứa” của Vua Lý Thái Tổ...

Cùng lấy cảm hứng từ hình tượng rồng trong kiến trúc, văn hóa, truyền thuyết và từ tưởng tượng của mình, nhóm họa sĩ “gen Z” của doanh nghiệp sáng tạo Lamphong Studio thực hiện bộ sưu tập “Năm con rồng” với các tác phẩm rồng bằng bột đá ép, phun sơn nhiều màu sắc và vẽ tay bằng chất liệu sơn mài. Tượng rồng của các họa sĩ này có biểu cảm bình thản, làm dáng, ngáp ngủ, khóc nhè… ngộ nghĩnh, đáng yêu, với mong muốn trao niềm vui, sự lạc quan đến mọi người trong năm mới. Thưởng lãm các tác phẩm rồng mới mẻ này, chị Lê Minh Hân (phường Đội Cấn, quận Ba Đình) bày tỏ: “Khi đọc thông tin về tác phẩm, tôi rất vui khi thấy các tác giả đều rất trẻ mà có góc nhìn thực sự sáng tạo, mới mẻ. Các bức tranh, tượng rồng sinh động, gần gũi, dễ xem và mang nhiều ý nghĩa tích cực”.

Theo dõi các triển lãm mỹ thuật đón Xuân Giáp Thìn, họa sĩ Bằng Lâm lý giải, chính vì rồng là con vật không có trong đời thực nên các nghệ sĩ tạo hình rất thích sáng tạo. Họ được thoải mái tưởng tượng, bay bổng và đưa nhiều ý tưởng mới mẻ, kết hợp từ truyền thống đến hiện đại vào trong tác phẩm, qua đó, gửi lời chúc tốt lành, an vui và kỳ vọng thành công trong năm mới.