Làng hoa giấy Phù Đổng đón xuân
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, làng hoa giấy xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) trở nên nhộn nhịp hơn. Từng đoàn xe chở các cây hoa khoe đủ sắc màu đưa đi khắp nơi, phục vụ khách hàng có nhu cầu.
Xã Phù Đổng hiện có hơn 450 hộ trồng hoa giấy. Đặc biệt, người dân Phù Đổng còn có bí quyết làm cây hoa giấy nở hoa quanh năm, bông to, sắc thắm với nhiều màu khác nhau, như: Đỏ, hồng, trắng, cam, tím…
Đến thôn Phù Đổng 1 - “thủ phủ” trồng hoa giấy của xã Phù Đổng dịp cuối năm Quý Mão, ai cũng thấy người làm nghề trồng hoa ở đây tất bật hơn. Mặc dù mới “vào nghề” được gần 4 năm, mỗi năm trồng từ 3.000 đến 4.000 cây phôi trên diện tích 2 sào, nhưng anh Vương Đình Yên ở thôn Phù Đổng 1 cũng đã bán hết một lứa hoa phục vụ Tết Giáp Thìn. Anh Yên phấn khởi khoe: “Năm nay, tôi làm 200 cây hoa thành phẩm, gồm hoa giấy giống Thái, màu tím và cây ghép 5 màu, tạo thành dáng tròn, huyền, bay… để bán trong dịp Tết. Đến giữa tháng Chạp năm Quý Mão, lứa cây này đã được bán hết. Mỗi cây có giá từ 200.000 đồng đến 4 triệu đồng. Để tiếp tục phục vụ nhu cầu của khách hàng trong những ngày cuối năm, gia đình tôi tiếp tục đánh thêm 200 cây phôi lên chậu và tạo dáng…”.
Là hộ trồng hoa giấy nhiều nhất, nhì xã Phù Đồng, với hơn 1 vạn cây, hằng năm gia đình ông Nguyễn Văn Hạnh (thôn Phù Đổng 1) đưa ra thị trường hơn 5.000 cây thành phẩm. Riêng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ông Hạnh chuẩn bị 1.000 cây hoa giấy các loại. Khách hàng mua hoa chủ yếu là thương lái ở các tỉnh: Sơn La, Lạng Sơn, Hưng Yên, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Huế… Không những vậy, hoa giấy của hộ ông Hạnh còn xuất cả sang Lào.
Từ khoảng tháng 9 âm lịch kéo dài đến Tết Nguyên đán hằng năm, người trồng hoa giấy bán được nhiều hàng nhất. Tính đến ngày 22 tháng Chạp Quý Mão, ông Hạnh đã bán được gần 600 cây, mỗi ngày thu được từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng.
Với diện tích 3 mẫu đất trồng hoa giấy các loại, hằng năm, gia đình ông Vũ Văn Khoa, cũng ở thôn Phù Đổng 1 hoàn thiện khoảng 2.000 cây thành phẩm để phục vụ thị trường. Riêng tháng Chạp, ông Khoa đã bán được hơn 300 cây hoa giấy, gồm các cây ghép từ 3 đến 5 màu, tạo thành hình chóp nón, thông, bàn trà, lọng tròn, bay, thế 5 tay… Ông Khoa chia sẻ, khách hàng khá ưa chuộng cây hoa giấy ghép, cây thế với mức giá từ 1 đến 20 triệu đồng/cây.
Theo người trồng hoa giấy xã Phù Đổng, hoa giấy rất có lợi thế, bởi hoa đào, hoa mai chỉ có trong dịp Tết, nhưng hoa giấy nở quanh năm, hết đợt hoa này lại ra đợt hoa khác, sức sống tốt và người chơi hoa không mất nhiều công chăm sóc...
Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Nguyễn Văn Tài cho biết, năm 2023, xã tổ chức thành công Lễ hội cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng, với chủ đề “Sắc hoa trên miền di sản”, có 250 hộ tham gia. Nhờ đó, hàng nghìn du khách đã về tham quan, tạo kết nối cung - cầu hoa giấy giữa người làm nghề với khách hàng. Để hỗ trợ người dân tiêu thụ hoa trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, từ ngày 20 đến ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão, UBND xã tổ chức một khu trưng bày hoa, cây cảnh tại Khu di tích lịch sử đền Phù Đổng để thu hút thêm nhiều khách đến tham quan, mua hàng.