Năm 2024 tăng tốc và những nhiệm vụ quan trọng
Ý thức sâu sắc trách nhiệm của Thủ đô, trong năm qua, Đảng bộ thành phố Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, gương mẫu đi đầu trên các lĩnh vực xây dựng Đảng. Hiện nay, Đảng bộ thành phố đã bắt tay vào triển khai thực hiện kế hoạch công tác với quyết tâm “Năm 2024 phải hơn năm 2023”, đặc biệt là chuẩn bị một bước quan trọng cho Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Hoàn thành khối lượng công việc lớn với kết quả tích cực
Nhìn lại năm qua, Đảng bộ thành phố đã hoàn thành khối lượng công việc lớn với kết quả tích cực, có nhiều đổi mới, sáng tạo. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy tổ chức Đảng, chất lượng cán bộ, đảng viên tiếp tục được nâng lên. Thành ủy, các cấp ủy Đảng đã thể hiện quyết tâm cao xây dựng cấp ủy và tổ chức cơ sở Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự gương mẫu; quán triệt quan điểm “dân là gốc”; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
Công tác tư tưởng, tuyên giáo có nhiều đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, quán triệt, học tập nghị quyết, chỉ thị các cấp. Các cấp ủy đã tổ chức sâu rộng các đợt sinh hoạt chính trị nhằm quán triệt triển khai những văn bản chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về kỷ cương, kỷ luật và công tác phòng cháy, chữa cháy...
Công tác cán bộ tiếp tục được coi là khâu “then chốt của then chốt”, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí cán bộ... Đặc biệt, Thành ủy đã chỉ đạo rà soát để đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy 11 sở, ngành. Toàn Đảng bộ đã kết nạp hơn 10.470 đảng viên mới, đạt trên 106% so với kế hoạch năm, trong đó có 88 đảng viên là học sinh trung học phổ thông. Các chỉ tiêu về phát triển Đảng ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng vượt kế hoạch như thành lập được 109/69 tổ chức Đảng (đạt 158%); kết nạp 852/453 đảng viên mới (đạt 188,1%, trong đó có 13 chủ doanh nghiệp).
Năm 2023 còn là năm Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác Đảng. Hai phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” và “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên” được triển khai rộng khắp trong toàn Đảng bộ. Đến nay, 50/50 đảng bộ trực thuộc Thành ủy đã triển khai với tổng số 443.812 đảng viên cài đặt và thường xuyên sử dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”, đạt 93,3%. Trong khi đó, phần mềm “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên” cũng được cài đặt, sử dụng, đồng thời với việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu của 451.750 đảng viên ở tất cả 50/50 đảng bộ trực thuộc.
Công tác kiểm tra, giám sát thực sự là đòn bẩy siết chặt kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cấp ủy tổ chức Đảng và trách nhiệm cán bộ, đảng viên. Công tác nội chính góp phần quan trọng tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, không để phát sinh “điểm nóng”, giữ ổn định tình hình. Hệ thống dân vận chủ động tham gia triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố như công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội...
Điểm nhấn trong năm qua là Thành ủy Hà Nội tiếp tục gương mẫu trong đổi mới phương thức lãnh đạo, là cấp ủy đầu tiên cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Trung ương về khắc phục tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm với việc ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội" cùng với 25 biểu hiện cụ thể nhận diện rõ tình trạng này. Chỉ thị số 24-CT/TU đã trở thành chủ đề sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ, là cơ sở để tổ chức Đảng và đảng viên kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, tạo ra bước chuyển đột phá về kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm trong giải quyết công việc của hệ thống chính trị gắn với quy chế làm việc, đánh giá cán bộ, thi đua khen thưởng và xử lý kỷ luật...
Với những kết quả toàn diện, Đảng bộ Thủ đô Hà Nội hoàn toàn xứng đáng với mức đánh giá, xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Tiếp tục đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao
Năm 2024 đặt ra cho Đảng bộ Thủ đô nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng, đặc biệt đối với công tác xây dựng Đảng. Thực hiện tốt Chỉ thị số 24-CT/TU tiếp tục là nhiệm vụ hàng đầu của các cấp ủy Đảng. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 24-CT/TU trọng tâm là nêu cao tinh thần trách nhiệm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy công việc, nâng cao hiệu quả toàn diện trên các lĩnh vực.
Nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng khác là chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XVIII và đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ cuối năm 2023, các cấp ủy đều đã tiến hành thảo luận và thống nhất thành lập các tiểu ban nhân sự, văn kiện và tổ chức phục vụ. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, công tác chuẩn bị cho đại hội nhiệm kỳ tới không đơn thuần là công việc của các tiểu ban mà đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Đối với Đảng bộ Hà Nội, việc củng cố tổ chức cơ sở Đảng theo Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tiếp tục có ý nghĩa mấu chốt bảo đảm tổ chức đại hội thành công. Năm 2023, toàn thành phố có 53 tổ chức cơ sở Đảng cần củng cố (gồm 12 tổ chức cơ sở Đảng diện Ban Chỉ đạo thành phố theo dõi và 41 tổ chức diện Ban Chỉ đạo cấp huyện theo dõi) thuộc 13 Đảng bộ quận, huyện ủy, 3 đảng bộ khối và 1 đảng bộ tổng công ty. Đến nay, 41 tổ chức đã được củng cố và đang đề xuất Ban Chỉ đạo thành phố xem xét đưa ra đối với 3 tổ chức cơ sở Đảng. Hiện còn 9 tổ chức cơ sở Đảng cần tiếp tục củng cố chuyển tiếp sang năm 2024.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, công tác xây dựng và phát triển Thủ đô đặt ra nhiều nhiệm vụ nặng nề trong năm tới, việc phát sinh những đơn vị phức tạp cần củng cố là khó tránh khỏi. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết lưu ý, yêu cầu đặt ra là không được chờ đến khi có vụ việc phát sinh mới vào cuộc, mà phải chủ động khảo sát nắm bắt tình hình, rà soát tới từng chi bộ để kịp thời phát hiện, xử lý từ sớm, từ xa các vấn đề phức tạp.
Kinh nghiệm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp thành công trước đây có vai trò quyết định của việc chuẩn bị nhân sự và văn kiện. Đối với Đảng bộ Hà Nội, việc sắp xếp đội ngũ cán bộ thông qua công tác điều động, luân chuyển năm 2023 đã là một bước hướng tới mục tiêu đó. Trong năm 2024, đây tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm khi bước vào đại hội có sự chủ động, tránh bị bất ngờ hay hẫng hụt. Vấn đề này cần được các cấp ủy cấp trên cơ sở phải chú ý hơn nữa vì vừa qua, bên cạnh những nơi làm tốt, còn không ít đơn vị chưa quyết liệt rà soát để sắp xếp lại đội ngũ cán bộ cho phù hợp nhằm thúc đẩy hiệu quả công việc, đơn cử như Quận ủy Hà Đông đã được lãnh đạo Thành ủy lưu ý.
Đối với việc chuẩn bị văn kiện đại hội, việc Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 quy hoạch mang tầm chiến lược của Thủ đô là điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến được thông qua trong nửa đầu năm 2024 sẽ có ý nghĩa rất lớn. Khi đó, một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà các văn kiện đại hội đảng bộ các cấp thành phố phải xác định rõ là cụ thể hóa việc thực hiện 3 nội dung này trên địa bàn mình...
Trong năm 2024, còn nhiều nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng đặt ra cho các cấp ủy Đảng thành phố Hà Nội. Để thực hiện tốt được những nhiệm vụ này, đòi hỏi sự vào cuộc ngay từ tháng đầu, quý đầu, đặc biệt là đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu cấp ủy.