Siết chặt kỷ luật, kỷ cương - đòn bẩy để phát triển
Đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động nhằm giúp đội ngũ cán bộ nâng cao kiến thức và có thêm kinh nghiệm thực tiễn ở cơ sở là những điểm nhấn trong công tác cán bộ mà Đảng bộ thành phố Hà Nội đã thực hiện thời gian qua.
Trả lời phỏng vấn Báo Hànộimới, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, song hành với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Thành ủy Hà Nội cũng đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ cương, kỷ luật và coi đây là giải pháp “đòn bẩy” để Đảng bộ Thủ đô hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ.
- Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ công tác cán bộ và đạt được những kết quả quan trọng. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về những kết quả này?
- Công tác cán bộ là “then chốt” của “then chốt” trong công tác xây dựng Đảng. Trong bối cảnh hiện nay, thành phố Hà Nội luôn coi trọng công tác cán bộ. Trong đó, thành phố đã triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, như tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, gồm đào tạo chuyên sâu theo vị trí việc làm; đào tạo thực tiễn, trao đổi kinh nghiệm. Năm 2023, thành phố triển khai việc đào tạo ở nước ngoài để cán bộ, công chức, viên chức được tiếp cận vấn đề mới.
Cùng với đó, thành phố cũng thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ. Đối tượng luân chuyển gồm: Cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý luân chuyển về các địa phương, sở, ngành để thay thế những cán bộ yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, đã bộc lộ hạn chế, yếu kém về năng lực, trình độ sau khi thành phố thực hiện phân cấp, ủy quyền.
Thành phố cũng điều động cán bộ tại các sở, ngành về địa phương và ngược lại nhằm giúp đội ngũ cán bộ có thêm kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao trình độ chuyên môn để có thể đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao về công tác cán bộ.
Đáng chú ý, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội. Đối tượng thực hiện Chỉ thị chính là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố. Điểm mới của Chỉ thị số 24-CT/TU là nêu rõ nhận diện 25 biểu hiện với 3 nhóm nội dung nhằm tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ.
Thông qua việc triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy Hà Nội, thành phố bước đầu đã khắc phục được tình trạng đùn đẩy, né tránh công việc. Chỉ thị số 24-CT/TU cũng hướng tới mục tiêu bảo vệ những cá nhân dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Đây chính là giải pháp tích cực trong việc nâng cao ý thức, chất lượng cán bộ và bước đầu thực hiện cho thấy, giải pháp này có hiệu quả trong thực tế. Sau khi triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ đã được nâng lên.
- Với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp ngang tầm nhiệm vụ, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU với mục tiêu tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo. Kết quả đã đạt được sau nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết như thế nào, thưa đồng chí?
- Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo” xác định: Công tác cán bộ hiện nay là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Điểm mới của Nghị quyết số 04-NQ/TU là nhận diện đội ngũ cán bộ Hà Nội hiện nay, chỉ rõ những ưu điểm cũng như những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ và có đề xuất những giải pháp mang tính đột phá.
Nghị quyết đưa ra những nguyên tắc cụ thể của cả nhiệm kỳ với những chỉ tiêu cụ thể về công tác cán bộ. Trong đó chỉ rõ, từ nay đến năm 2025, bao nhiêu cán bộ chủ chốt ở địa phương phải hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng; hay chỉ tiêu hoàn thành việc bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương; phấn đấu bố trí, sắp xếp khoảng 50% bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương… Đây cũng là những chỉ tiêu mà Nghị quyết Trung ương giao và mỗi đảng bộ đều quan tâm, phấn đấu thực hiện.
Đáng chú ý, Nghị quyết số 04-NQ/TU đặt ra yêu cầu: Xác định rõ các giải pháp, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai công tác cán bộ. Thành ủy Hà Nội đã cụ thể hóa bằng Quy định số 07-QĐ/TU ngày 17-11-2021 về “Luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố Hà Nội”... Qua đó, giúp các cấp, ngành chủ động thực hiện và thực tiễn cho thấy, đây là một trong những giải pháp tích cực trong triển khai công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.
- Bên cạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, thành phố Hà Nội khuyến khích cán bộ đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đảm nhận việc khó. Đồng chí có thể chia sẻ thêm về chủ trương này?
- Với yêu cầu, nhiệm vụ mới của Thủ đô và đất nước hiện nay, đòi hỏi đội ngũ cán bộ của thành phố phải có đủ chuyên môn, năng lực quản lý, hội nhập trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền đô thị, chính quyền số. Chính vì vậy, Đảng bộ thành phố sẽ tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ tiếp cận gần hơn với tư duy, cách thức quản lý mới.
Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, trong bối cảnh cơ chế, chính sách vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, thì ý thức, trách nhiệm của cán bộ đóng vai trò rất quan trọng. Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy Hà Nội ra đời chính là hướng tới mục tiêu nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công việc, khắc phục tồn tại, hạn chế và siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Đây có thể coi là giải pháp “đòn bẩy” để sàng lọc, lựa chọn đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung; đủ khả năng đáp ứng nhiệm vụ, qua đó cũng giúp cán bộ trưởng thành, có ý thức trách nhiệm và năng lực trình độ ngày càng nâng lên; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh công việc.
Làm tốt những vấn đề này, hoàn toàn có thể tin tưởng, Đảng bộ thành phố Hà Nội sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ về công tác tổ chức xây dựng Đảng trong những năm tiếp theo.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!