Mọi người, mọi nhà đều có Tết
Phát biểu chỉ đạo phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2024 diễn ra sáng qua (1-2), Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, các bộ, ngành, địa phương lưu ý nhiệm vụ quan trọng trước mắt là phải tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đầm ấm, vui tươi, nghĩa tình, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết.
Với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau”, những ngày này cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội, đều tổ chức các hoạt động thiết thực chăm lo Tết cho người dân, nhất là người có công với cách mạng, gia đình chính sách, công nhân, lao động, hộ gia đình khó khăn. Đây là hoạt động mang đầy ý nghĩa nhân văn của Đảng và Nhà nước ta nhằm hỗ trợ mỗi người dân, mỗi gia đình chính sách đón Tết cổ truyền an vui, đầm ấm, sum vầy và hạnh phúc.
Không chỉ trực tiếp đến thăm và tặng quà cho các đối tượng chính sách, các chương trình “Tết sum vầy - Xuân sẻ chia”, “Chợ Tết công đoàn”, “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết” được tổ chức ở khắp các địa phương, đơn vị trong cả nước. Cùng với đó là các “Phiên chợ 0 đồng”, “Tết nghĩa tình”, hay những ngôi nhà Đại đoàn kết được khánh thành, các phần quà Tết được trao đi, chuyến xe miễn phí đưa công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết được tổ chức… với sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị làm cho không khí xuân thêm ấm áp hơn.
Để bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-TTg (ngày 14-1-2024) về việc chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát, nắm chắc tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn để quan tâm, chăm lo, hỗ trợ kịp thời; tổ chức thăm hỏi, tặng quà đúng đối tượng, bảo đảm tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết. Đồng thời, khẩn trương thực hiện rà soát, tổng hợp số hộ, số nhân khẩu có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và giáp hạt đầu năm 2024 để chủ động có phương án hỗ trợ kịp thời.
Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các địa phương, cơ quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và người lao động trước, trong và sau dịp Tết...
Đặc biệt là nắm tình hình lao động, việc làm, kiểm tra, giám sát việc chi trả tiền lương, thưởng tại các đơn vị, doanh nghiệp, có các phương án hỗ trợ, chăm lo đời sống cho người lao động trong dịp Tết, bảo đảm kịp thời, thiết thực, nhất là đối với người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn bởi đây là những đối tượng dễ bị tổn thương trong bối cảnh nền kinh tế cả nước còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Công tác chăm lo cho các đối tượng có công với cách mạng, hỗ trợ người nghèo, đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã hội luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Nhiều chương trình, chính sách được thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt cả năm chứ không riêng gì dịp “Tết đến, xuân về”.
Trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc thì công tác chăm lo, hỗ trợ các đối tượng chính sách càng có ý nghĩa đặc biệt hơn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các cấp, các ngành trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho mọi tầng lớp nhân dân để “mọi người, mọi nhà đều có Tết”.