Mùa xuân tại các làng hoa Hà Nội
Các nhà vườn tập trung chăm sóc, cắt tỉa và bán ra thị trường từ nay đến ngày 30 tháng Chạp.
Chỉ còn hơn một tuần nữa đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đây là thời điểm sôi động nhất ở các làng hoa của Hà Nội, nông dân vừa chăm sóc, vừa thu hoạch các loại hoa cung cấp ra thị trường. Năm nay thời tiết thuận lợi cho hoa sinh trưởng, phát triển, báo hiệu một mùa xuân no ấm với những người trồng hoa.
Rực rỡ làng hoa ngày Tết
Những ngày này, tại làng hoa Mê Linh, không khí mua sắm trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết. Là vùng ngoại ô có diện tích trồng hoa lớn với hơn 600ha, người dân Mê Linh trồng chủ yếu là hoa hồng, hoa cúc, thược dược, cẩm chướng, lay ơn, thạch thảo… Vài năm trở lại đây, theo xu thế thị trường, người dân Mê Linh trồng thí điểm nhiều giống mới như hoa hồng Pháp, hoa hồng Hà Lan, hoa hồng Thái Lan...
Theo ông Nguyễn Hải Hoàng - chủ vườn hoa ở xã Mê Linh (huyện Mê Linh), những ngày này, thương lái đến tận các nhà vườn để mua hoa hồng, cúc, ly... đặc biệt là những chậu hoa cảnh được ưa chuộng trong những năm gần đây.
“Nhu cầu chơi hoa dịp Tết của người dân tăng cao. Để bảo đảm cung ứng phục vụ nhu cầu ngày Tết, các nhà vườn đều tất bật từ sáng đến đêm tập trung chăm sóc, cắt tỉa cho hoa nở đẹp…”, ông Hoàng cho biết thêm.
Cũng như vựa hoa Mê Linh, làng hoa Tích Giang (huyện Phúc Thọ) cũng nhộn nhịp khi vào vụ thu hoạch lớn nhất năm. Khác với người dân Mê Linh chủ yếu trồng hoa hồng, cúc, ly, người dân Tích Giang trồng nhiều hoa chậu, hoa giỏ treo, hoa trải thảm với hàng trăm chủng loại: Dạ yến thảo, kim ngân lượng, pháo, đồng tiền, ngọc thảo…
Ông Hoàng Văn Trào (xã Tích Giang) cho biết, năm nay, gia đình trồng 10.000 chậu treo dạ thảo đơn, dạ thảo kép, phong lữ rủ... Thời tiết năm nay thuận lợi, hoa được trồng trong nhà màng, nhà lưới, chăm sóc tỉ mỉ nên rất đẹp; thị trường hoa Tết năm nay không biến động nhiều về giá. Đến thời điểm này, nhà vườn đã xuất bán khoảng 70% số lượng hoa Tết, dự kiến thu nhập 500 triệu đồng.
Trở lại vùng hoa lâu đời tại phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm), người bán và người mua tấp nập khiến làng hoa càng trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết.
Bà Nguyễn Thị Hiên (phường Tây Tựu) cho biết, gia đình trồng 3 sào hoa các loại phục vụ thị trường Tết, chủ yếu hoa hồng và cúc vàng. Hiện, toàn bộ diện tích hoa đều sinh trưởng, phát triển tốt, nụ mập, bông to, sẵn sàng cho thu hoạch. Đến thời điểm này, các nhà vườn tập trung huy động lực lượng chăm sóc, cắt tỉa và bán ra thị trường...
Xây dựng vùng hoa trở thành điểm du lịch sinh thái
Hiện nay, để nâng cao năng suất, chất lượng hoa, tại các vùng trồng hoa của Hà Nội, nông dân tập trung đưa công nghệ cao vào sản xuất và xây dựng các làng hoa trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.
Hiện, xã Tích Giang đã được UBND thành phố công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” và UBND huyện Phúc Thọ đã phê duyệt Đề án “Phát triển làng nghề hoa, cây cảnh xã Tích Giang gắn với du lịch sinh thái giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án sẽ giúp xã Tích Giang mở rộng vùng sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch bền vững, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Tây Tựu đang trong quá trình đô thị hóa, do đó, để duy trì, phát triển nghề truyền thống trồng hoa, quận Bắc Từ Liêm đã quy hoạch Tây Tựu thành vùng trồng hoa chất lượng cao, cung cấp hoa tươi cho Thủ đô và địa phương lân cận. Theo đó, hầu hết nông dân ở phường đã mạnh dạn đầu tư vốn, trồng thêm giống hoa mới, ứng dụng kỹ thuật cao vào sản xuất, đem lại giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng cho hay, hiện nay diện tích gieo trồng hoa chất lượng cao của thành phố đạt 30% diện tích gồm hoa ly, lan, cúc giống mới, đào, quất... hiệu quả sản xuất tăng 25-30% so với sản xuất hoa truyền thống.
Để nâng cao chất lượng ở các vùng hoa, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ mở rộng diện tích trồng hoa, cây cảnh lên 8.000ha, tập trung tại các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Gia Lâm... Trong đó sẽ có các vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung ứng dụng công nghệ cao, quy mô 20-50ha/vùng. Những vùng này chủ yếu trồng hoa lan, cúc, hồng... cùng một số giống hoa nhập, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương rà soát quy hoạch từng vùng sản xuất nông nghiệp để lựa chọn vùng trồng hoa, cây cảnh phù hợp lợi thế tự nhiên; mỗi vùng trồng hoa trọng điểm sẽ xây dựng hạ tầng đi kèm nhà lưới, khu trưng bày, vườn phục vụ du lịch.
Ngoài ra, để hỗ trợ người trồng hoa, nhiều năm nay, vào dịp giáp Tết Nguyên đán, ngành Nông nghiệp Hà Nội và 30 quận, huyện, thị xã đều tổ chức hội chợ hoa xuân nhằm mở ra cơ hội giao thương, giúp nông dân tiêu thụ hàng hóa, mang lại niềm vui cho cả người sản xuất và người tiêu dùng mỗi dịp Tết đến, xuân về.