Vui có chừng, dừng đúng lúc
Thống kê từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cả nước xảy ra 216 vụ tai nạn giao thông làm 121 người chết, 138 người bị thương. Còn dịp nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, cả nước xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông làm 89 người tử vong, bị thương 111 người.
Trong năm 2023, cả nước đã xử lý hơn 3,4 triệu trường hợp vi phạm giao thông, phạt tiền hơn 6.500 tỷ đồng, tước hơn 664.000 giấy phép lái xe, tạm giữ hơn 1 triệu phương tiện.
Số liệu thống kê trên cho thấy, dù số người chết đã giảm qua từng năm, nhưng tai nạn giao thông dịp Tết Nguyên đán vẫn diễn biến phức tạp, vẫn còn là mối lo của toàn xã hội. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra như do lưu lượng người tham gia giao thông tăng cao trong những ngày Tết; trong khi đó, một số tuyến đường đã xuống cấp, chậm sửa chữa nên áp lực về giao thông khá lớn. Một bộ phận người dân không chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông mà “vô tư” phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định, lấn làn, đi ngược chiều, chuyển hướng không báo hiệu... Ðặc biệt, tình trạng sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện giao thông luôn diễn ra phức tạp, nan giải.
Dự báo trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024, mật độ giao thông sẽ tăng cao, nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông rất lớn. Trước yêu cầu cấp thiết trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 29-1-2024 về tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp này.
Nội dung quan trọng được người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cũng như các địa phương là phải đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người tham gia giao thông nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời, triển khai các phương án tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh đối với tất cả các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Đặc biệt là trên đường bộ, nhất là các tuyến đường cao tốc; tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông.
Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Công điện nhấn mạnh đến hàng loạt biện pháp cả về trước mắt cũng như lâu dài nhằm hạn chế và kéo giảm các vụ tai nạn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán và thời gian sắp tới. Trong đó có những quy định mà người tham gia giao thông cần phải thuộc “nằm lòng” như “Đã uống rượu, bia - không lái xe”; “Không sử dụng điện thoại khi lái xe”; “Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện”; “Thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô”, “Tuân thủ quy định về tốc độ”.
Hưởng ứng Năm An toàn giao thông 2024 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, Bộ Công an cũng vừa ban hành kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội trên các tuyến giao thông dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các lễ hội đầu xuân 2024. Tuy nhiên, mọi khẩu hiệu sẽ chỉ nằm “trên giấy” nếu ý thức chấp hành của người dân chưa được nâng cao; mỗi người dân nêu cao ý thức chấp hành mới thực sự là vấn đề trọng tâm và giải pháp quan trọng để ngăn chặn, đẩy lùi nỗi bất hạnh mà tai nạn giao thông gây nên, đặc biệt là những tai nạn do lái xe sau khi uống rượu, bia.
Để kéo giảm tai nạn giao thông xuống mức thấp nhất không chỉ trong dịp Tết Nguyên đán này, mọi người tham gia giao thông cần phải biết “vui có chừng, dừng đúng lúc”, thượng tôn pháp luật, vì sức khỏe, tính mạng của bản thân và cộng đồng.