Lương - Bảo hiểm

Tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội: Gia cố vững chắc hệ thống an sinh

Vũ Minh 31/01/2024 - 07:45

“Già vẫn nghèo”, “người cao tuổi thiếu điểm tựa an sinh” là mối lo hiện hữu của nhiều người, gia đình và xã hội trong bối cảnh già hóa dân số ở nước ta diễn ra nhanh.

Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, giải pháp trọng tâm là tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, giúp đa số người dân có lương hưu khi về già. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg (ngày 11-1-2024) phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030” đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho công tác này, gia cố vững chắc thêm cho hệ thống an sinh ở nước ta.

bhxh.jpg
Chi trả lương hưu cho người thụ hưởng tại thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì), tháng 1-2024. Ảnh: Thu Hiền

Mối lo “già vẫn nghèo”
Theo Tổng cục Thống kê, đến cuối năm 2023, dân số nước ta vượt 100 triệu người. Cơ cấu dân số tiếp tục dịch chuyển theo hướng tăng tỷ lệ người cao tuổi và giảm tỷ lệ dân số trẻ. Cụ thể, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên tăng từ 11,9% tổng dân số vào năm 2019 lên 13,9% vào cuối năm 2023 (tương ứng với khoảng 14 triệu người).

Trong bối cảnh già hóa dân số, vấn đề cần quan tâm là bảo đảm đời sống, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. “Việc thực hiện nhiệm vụ này luôn có sự tham gia của cả hệ thống chính trị cùng sự chung tay của cộng đồng xã hội. Nhờ đó, dân số là người cao tuổi có điểm tựa an sinh ngày càng tăng. Đến nay, cả nước có hơn 5 triệu người cao tuổi có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng”, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho hay.

Ngoài khoản tiền lương, người hưởng chế độ hưu trí và các chế độ trợ cấp xã hội còn có thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để chủ động chăm sóc sức khỏe. Thực tế ghi nhận nhiều người nghỉ hưu thoát khỏi lằn ranh sinh tử, nối dài sự sống nhờ có tấm thẻ an sinh. Có thể kể đến bệnh nhân Nguyễn Lộc Tuất (sinh năm 1958), mã thẻ HT 2402900007727, điều trị cùng lúc nhiều loại bệnh nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả phần lớn viện phí với số tiền lên tới hơn 1,6 tỷ đồng trong năm 2023, còn gia đình phải trả chưa đến 20 triệu đồng.

Lợi ích thiết thân khi có điểm tựa an sinh đã được kiểm chứng qua thực tiễn. Tuy nhiên, số đông người cao tuổi ở nước ta hiện chưa có lương hưu và trợ cấp, khiến cuộc sống của nhiều người còn khó khăn.

Nhiều giải pháp tăng tỷ lệ bao phủ

Góp phần tạo điểm tựa an sinh vững chắc cho người dân, nhất là với người cao tuổi, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, cùng hành động để thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội. Việc phát triển số người tham gia chính sách là mục tiêu hướng đến, đồng thời là nhiệm vụ then chốt của hệ thống chính trị trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Cụ thể, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 5-1-2024 về “Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024”, Chính phủ đặt mục tiêu đến cuối năm, cả nước có 42-43% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội. Tương tự, tại Quyết định số 38/QĐ-TTg, ngày 11-1-2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030”, Thủ tướng Chính phủ giao các cơ quan chức năng đưa bảo hiểm xã hội lan tỏa, thấm sâu vào đời sống. Phấn đấu đến cuối năm 2025, cả nước có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu và các chế độ trợ cấp. Đến năm 2030, cả hai tỷ lệ đều tăng lên 60%.

Để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, dưới góc độ thực hiện chính sách, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, ngay từ đầu năm 2024, hệ thống cơ quan Bảo hiểm xã hội phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương tiến hành rà soát, cập nhật danh sách, phân loại đối tượng tiềm năng chưa tham gia bảo hiểm xã hội theo từng địa bàn.

Đối với nhóm lao động làm những công việc tự do, các bên đưa họ vào hệ thống an sinh bằng cách tạo thuận lợi để họ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo hướng này, nhiều địa phương có chính sách hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia, ngoài mức hỗ trợ của Trung ương. Tại Hà Nội, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Phan Văn Mến cho biết: “Hiện nay, tất cả người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đều được hỗ trợ mức đóng cao gấp 2 lần quy định của Trung ương. Một số trường hợp có hoàn cảnh khó khăn còn được hỗ trợ 100% mức đóng trong khoảng thời gian nhất định”.
Ngoài những giải pháp nêu trên, các cơ quan chức năng còn mở rộng hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài vẫn có thể tham gia bảo hiểm xã hội...

Dưới góc độ quản lý, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) theo hướng linh hoạt, hiện đại, đa tầng, hấp dẫn, tạo thuận lợi tối đa để đông đảo người lao động tham gia và ở lại hệ thống an sinh lâu dài.