Thực tiễn sống động bác bỏ mọi xuyên tạc
Hiện nay, lợi dụng không gian mạng, các thế lực thù địch, phản động cố tình xuyên tạc, chống phá quyết sách đúng đắn của Đảng ta về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đây là âm mưu rất thâm độc và xảo trá.
LTS: Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta đã và đang diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực; nhận được sự quan tâm, ủng hộ và hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên, tạo niềm tin trong nhân dân. Tuy vậy, vẫn có không ít luận điệu, bài viết trên không gian mạng tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận nỗ lực và kết quả phòng, chống tham nhũng. Đấu tranh phản bác lại những quan điểm sai trái đó không chỉ khẳng định kết quả không thể phủ nhận của Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà còn góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài: Thực tiễn sống động bác bỏ mọi xuyên tạc.
Bài 1: KHÔNG CÓ VÙNG CẤM, KHÔNG CÓ NGOẠI LỆ
Để không mắc bẫy những đối tượng phản động, thế lực thù địch, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần tỉnh táo, phân biệt đúng - sai, thật - giả và đặc biệt, tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Những luận điệu xuyên tạc
Trái ngược với sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ của đại đa số nhân dân thì đâu đó vẫn còn một số phần tử cơ hội chính trị, thế lực thù địch, phản động tung hô những luận điệu đả kích, xuyên tạc, chống phá chủ trương, quyết sách đúng đắn của Đảng ta về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Chúng đưa ra các luận điệu xuyên tạc như: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm chỉ là “trò đánh trống, khua chiêng nhằm che mắt thế gian”, “thanh trừng phe cánh”, là chính “ta đánh ta”… Những luận điệu này xuất hiện ở các trang tin gần đây với bài viết có nhan đề "Có ai tin câu: Chống tham nhũng ở Việt Nam không có vùng cấm; “Một cuộc “thanh trừng” trong Đảng ở Việt Nam”, không cần đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng…
Không chỉ dừng lại ở đó, các luận điệu ăn theo còn cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí” cán bộ, đảng viên, làm “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm… ảnh hưởng xấu đến kinh tế, kìm hãm sự phát triển đất nước. Hay chúng cho rằng chống tham nhũng đã làm tê liệt chuỗi cung ứng đầu tư nước ngoài, giao dịch thông thường trong nước, gây ra tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu, ảnh hưởng đến xuất khẩu..., cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...
Cần khẳng định rõ, những luận điệu trên là hết sức thâm độc, xảo trá, phản động, xuyên tạc những nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hòng chia rẽ nội bộ Đảng và hệ thống chính trị, gây phân tâm trong xã hội, ý đồ làm giảm sút ý chí, lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ, từng bước hạ thấp uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mục đích của chúng là từng bước phủ nhận, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Cần nhận thức đúng và luôn tỉnh táo
Tại sao các thế lực thù địch lại lợi dụng, xoáy sâu vào vấn đề tham nhũng, lãng phí, tiêu cực? Bởi vì, đây luôn là vấn đề “nóng”, được dư luận hết sức quan tâm; đó còn là biểu hiện tập trung nhất, rõ ràng nhất của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; là “nguyên liệu”, “mảnh đất màu mỡ”, “cái cớ” để các thế lực thù địch, cơ hội, những kẻ “trở cờ”, bất mãn với chế độ sử dụng tối đa nhằm thổi phồng khuyết điểm, bôi nhọ, xuyên tạc bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, bản chất giai cấp công nhân, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mặt khác, đấu tranh loại trừ tham nhũng, tiêu cực vốn đã là khó khăn, lâu dài, gay go, quyết liệt, vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, nó là “giặc nội xâm”, nhiệm vụ chống lại nó “cũng cần kíp như đánh giặc trên mặt trận” thì các luận điệu này càng làm cho công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thêm khó khăn, phức tạp, thậm chí nhiễu loạn trong nhân dân, chia rẽ nội bộ, nghi kỵ lẫn nhau trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên. Nếu chúng ta không tỉnh táo, không phân biệt đúng - sai, thật - giả, sẽ rất dễ mắc bẫy mà hậu quả là bất ổn về kinh tế, chính trị, thậm chí rối loạn, dẫn đến mất vai trò lãnh đạo của Đảng, sụp đổ chế độ. Vì vậy, cần nhận diện đúng và kiên quyết đấu tranh, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc sai trái, lợi dụng cuộc chiến này để thực hiện “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động.
Tham nhũng là một hiện tượng xã hội, gắn liền với sự tha hóa của quyền lực mà bất kể chế độ xã hội nào trên thế giới cũng đều phải đương đầu với nó. Vì thế, tham nhũng không phải là sản phẩm riêng có của chế độ “độc đảng”, hay “bản chất” của thể chế nhất nguyên chính trị như các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, rêu rao. Thực tiễn đã chứng minh, dù là các nước phát triển, đang phát triển, đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập như Nhật Bản, Hàn Quốc hay nhất nguyên chính trị như Trung Quốc, hoặc như các nước có nền kinh tế phát triển cao... cũng đã và đang phải đương đầu với tệ tham nhũng. Tham nhũng đã từng làm rối ren xã hội, khuynh đảo thể chế chính trị, thậm chí là sụp đổ chính quyền ở một số nước trên thế giới. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần có nhận thức đúng đắn và luôn tỉnh táo trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Quyết tâm “nói đi đôi với làm” của Đảng
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ ba căn bệnh: Tham ô, lãng phí, quan liêu là những thứ giặc “nội xâm” bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân mà ra. Vì vậy, ngay từ khi mới giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện và dự báo về mối nguy hại của các căn bệnh trên gắn với Nhà nước, với người có chức, có quyền, nhất là bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí. Tệ nạn đó được Người diễn đạt bằng thuật ngữ “bất liêm”, ngày nay chúng ta gọi là tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Người coi tham ô, lãng phí là tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội, vì bản chất của tham ô là lấy của công làm của tư, là gian lận, tham lam, tham ô là trộm cướp.
Trong giai đoạn cả nước dồn sức cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, dù phải tập trung cao độ cho các nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, cấp bách, Đảng ta vẫn luôn quan tâm đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ngày 26-4-1962, Bộ Chính trị (khóa III) ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TƯ “Về cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”. Sau hơn một năm thực hiện, để mở rộng nội dung quản lý nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, ngày 24-7-1963, Bộ Chính trị (khóa III) ban hành Nghị quyết số 85-NQ/TƯ “Về cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”. Tiếp đó, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thấy “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực ngày càng gia tăng nghiêm trọng, cho nên trong văn kiện các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc đều đề cập vấn đề phòng, chống tham nhũng. Tại Đại hội XI (2011), Đảng ta chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp”. Đến Đại hội XIII (2021), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định số 67-QĐ/TƯ ngày 2-6-2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nhanh chóng đi vào hoạt động. Đây là những minh chứng cho thấy, nhiều cấp ủy Đảng đã và đang vào cuộc quyết liệt hơn, thực hiện đúng tinh thần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh các cấp, các ngành phải “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt” để cùng Trung ương thực hiện có chất lượng, hiệu quả cao hơn trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Với sự lãnh đạo sâu sát, quyết liệt của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm việc thực hiện (2012-2022) nêu rõ, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...
Đặc biệt, từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, các cơ quan pháp luật đã xử lý dứt điểm nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm trước, điển hình như các vụ án: Nguyễn Đức Kiên, Dương Chí Dũng, Vũ Việt Hùng, Giang Kim Đạt, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Châu Thị Thu Nga, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ, Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam; vụ án xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải quân…; và gần đây là vụ Việt Á, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao; FLC, Tân Hoàng Minh... Việc xử lý kỷ luật của Đảng và những vụ án xử lý hình sự trên cho thấy rõ quyết tâm “Nói đi đôi với làm” của Đảng, nhất là vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Giáo sư Vladimir Kolotov, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh tại Đại học Quốc gia St. Petersburg, nhận xét: “Chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tầm nhìn chiến lược quan trọng bắt đầu được thực hiện từ lâu. Tình hình đang thay đổi, tình hình tham nhũng đang thay đổi và công tác phòng, chống tham nhũng cũng đang thay đổi...”. Còn trang tin Times of India khẳng định: “Việt Nam đã cung cấp một bài học quý giá mà các quốc gia có thể noi theo khi tham nhũng là vấn nạn phổ biến trên toàn cầu”.
*
Có thể nhận thấy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, được tiến hành một cách kiên trì, nhân văn, bài bản, thuyết phục với tinh thần không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã trở thành phong trào, “xu thế không thể đảo ngược”, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhờ đó, tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, đó là minh chứng rõ nét nhất bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, trực tiếp góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
(Kính mời độc giả đón đọc kỳ tiếp theo trên số báo ra ngày 7-2)