Để Thủ đô ngày càng đẹp...
Mỗi dịp Tết đến xuân về hay những ngày lễ trọng, các khu dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội lại tổ chức tổng vệ sinh, thu dọn đất, rác, phế thải. Đón Tết, nhà nhà đều trang hoàng, sạch, đẹp, vì thế việc tổng vệ sinh ngõ, xóm, khu dân cư cũng là để cho nhà nhà sạch hơn, đẹp hơn.
Lâu nay, việc tổng vệ sinh đường, phố đã trở thành hoạt động thường xuyên. Ở trên các trục đường chính, công nhân vệ sinh môi trường là lực lượng nòng cốt. Còn trong các ngõ, xóm, khu dân cư, ngoài công nhân vệ sinh còn có các hội phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên... tham gia. Không chỉ thu dọn rác thải, người dân còn chung tay bóc gỡ quảng cáo, rao vặt treo, dán bừa bãi. Từ phong trào tổng vệ sinh, người dân nhắc nhở nhau cùng nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định.
Tuy nhiên, thực tế cũng không khó bắt gặp những hình ảnh không đẹp, như rác thải tập kết bừa bãi dưới lòng đường, trên vỉa hè, thậm chí cả rác thải cồng kềnh. Ở điểm tập kết rác cố định, xe chở rác để bừa bãi cản trở giao thông, nước rác chảy lênh láng trên đường. Ở nơi công cộng, sau mỗi sự kiện được tổ chức là túi ni lông, vỏ hộp nhựa, giấy... lại bị bỏ lại nhếch nhác và bẩn thỉu. Tất cả cho thấy ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của không ít người còn chưa chuyển biến. Thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp hơn nhưng chưa triệt để, chưa như mong muốn. Vì thế, phong trào tổng vệ sinh càng phải duy trì đều đặn và thường xuyên hơn; được tổ chức bài bản, có sự phối hợp, tham gia của cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể, huy động sự chung tay của cộng đồng dân cư.
Vào dịp Tết hay những ngày lễ trọng, các địa phương, các ngành cần xây dựng kế hoạch tổng vệ sinh. Đối với các khu dân cư, ngõ, xóm, việc tổng vệ sinh, thu dọn rác thải vào thứ bảy hằng tuần tiếp tục duy trì, với lực lượng chính là các tổ chức, đoàn thể, song cần có sự tham gia rộng rãi của mỗi hộ gia đình và từng người dân. Bởi mỗi hộ, mỗi cá nhân là những chủ thể quyết định việc giữ gìn vệ sinh môi trường nơi ở nói riêng và cả thành phố nói chung. Nếu không có sự chung tay của từng người khó có được thành phố xanh, sạch, đẹp như mong muốn. Bên cạnh đó, mỗi địa phương cần chọn các tuyến đường còn nhiều điểm tập kết rác, phế thải để bố trí phương tiện, nhân lực là công nhân vệ sinh môi trường thu dọn. Nghiên cứu, bố trí lại các điểm tập kết rác phù hợp, được che chắn và phun rửa thường xuyên. Đặc biệt, tiếp tục phát huy, nhân rộng các mô hình giữ gìn vệ sinh môi trường hiệu quả, như xóa điểm “đen” về rác thải bằng vườn hoa, sân chơi, điểm sinh hoạt công cộng.
Các lực lượng chức năng tiếp tục ra quân kiểm tra, xử lý đơn vị vệ sinh môi trường để phương tiện vận chuyển rác làm bẩn đường, phố; hình thành điểm rác mất vệ sinh, mỹ quan đô thị, cản trở giao thông. Nghiên cứu phương án rào chắn, lắp camera giám sát tại những khu vực thường xuyên bị đổ trộm phế thải, xử phạt nguội người và phương tiện vi phạm. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng cần ra quân, xử phạt các hành vi xả rác bừa bãi theo quy định. Lâu nay, hành vi này tuy đã có chế tài nhưng không bị xử lý dẫn đến luật bị coi thường, không có tác dụng răn đe.
Điều quan trọng hơn là từ phong trào tổng vệ sinh khu dân cư hình thành cho được ý thức, thói quen giữ gìn vệ sinh chung, tôn trọng, tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường; về lâu dài là nền nếp phân loại rác thải tại nguồn, thu gom theo từng loại rác, tái chế, tái sử dụng rác. Tất cả vì một Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp, văn minh...