Tránh áp lực từ... thi thử cuối cấp
Bước sang học kỳ 2, các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tăng cường tổ chức cho học sinh lớp 9, lớp 12 thi thử, làm bài khảo sát để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, chuyển cấp.
Không ít học sinh còn tham gia các kỳ thi thử bên ngoài nhà trường và trên mạng internet. Việc này giúp học sinh làm quen với cấu trúc đề và không khí trường thi, tuy nhiên cũng không tránh khỏi áp lực, căng thẳng. Vì vậy, rất cần có định hướng về việc tham gia thi thử đối với học sinh cuối cấp.
Tập dượt, chuẩn bị tốt kiến thức cho kỳ thi
Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, khoảng tháng 3-2024, Sở sẽ tổ chức cho học sinh lớp 12 toàn thành phố làm bài kiểm tra khảo sát theo đề chung ở các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đề kiểm tra do Sở soạn thảo theo cấu trúc tương tự đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Toàn bộ các khâu đều được thực hiện tương tự như ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông như in sao đề kiểm tra, học sinh ngồi theo số báo danh, đổi chéo cán bộ coi thi giữa các địa bàn, bài thi được rọc phách, chấm chéo…
Việc tổ chức khảo sát quy mô toàn thành phố được thành phố Hà Nội triển khai lần đầu tiên vào năm 2016 nhằm giúp học sinh tập dượt, chuẩn bị tốt về kiến thức, kỹ năng cho kỳ thi thật. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông những năm qua của học sinh thành phố, nhất là việc tăng 11 bậc trong kỳ thi năm 2023 so với năm 2022 là minh chứng về hiệu quả cho những nỗ lực triển khai.
Với cấp trung học cơ sở, vài năm nay, học sinh lớp 9 đã không còn xa lạ với các bài kiểm tra chung đề toàn trường, toàn quận/huyện/thị xã. Bước sang học kỳ II năm học 2023-2024, các nhà trường đều tăng cường tổ chức cho học sinh làm quen với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 theo chu kỳ một lần trong một tháng.
Học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm) Nguyễn Khánh Chi cho biết: Từ đầu năm học tới nay, chúng em được tham gia làm bài khảo sát với 3 môn toán, ngữ văn, tiếng Anh ở cấp trường. Mỗi lần khảo sát, em có thêm kinh nghiệm, nhất là về việc phân chia thời gian làm bài hợp lý và cách làm bài thi thành phần trong bài thi tổ hợp để bảo đảm không bị lệch mã đề.
Còn học sinh Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) Nguyễn Quỳnh Anh chia sẻ, ngoài ôn luyện thì việc thử sức với các kỳ khảo sát còn giúp em chuẩn bị tốt về tâm lý cho kỳ thi thật.
Cần chọn lọc các kỳ thi thử
Với việc số học sinh tăng hơn, chỉ tiêu vào trường công lập chỉ chiếm khoảng trên 60% trong tổng số 135.000 học sinh lớp 9 năm nay, áp lực cạnh tranh của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2024-2025 được xác định là căng thẳng hơn các năm trước. Vì thế, cả nhà trường và gia đình đều đang dồn sức hỗ trợ học sinh chuẩn bị tốt nhất về kiến thức, kỹ năng và cả tâm thế, hạn chế tối đa những sai sót trong kỳ thi thật. Tương tự, áp lực của học sinh lớp 12 cũng không nhỏ khi đối diện với kỳ thi “hai trong một” - kỳ thi không chỉ để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, mà nhiều em còn dùng kết quả này để xét tuyển vào đại học.
Thời điểm này, nhiều phụ huynh, học sinh cũng dành sự quan tâm tới các kỳ thi thử được tổ chức trên mạng với chi phí từ 100.000-150.000 đồng/ môn. Các lớp tại trung tâm bồi dưỡng văn hóa quanh khu vực các Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân… cũng tăng cường tổ chức các bài thi thử để học sinh làm quen với dạng đề thi tốt nghiệp và cả đề thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của một số cơ sở đào tạo đại học những năm trước.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương cho rằng, việc được làm quen với không khí trường thi, quy chế thi, ghi nhớ rõ những quy định được và không được phép làm, các em sẽ bớt đi nhiều bỡ ngỡ, tránh mất tĩnh khi thi thật. Tuy vậy, các em không nên chạy theo quá nhiều kỳ thi thử dẫn đến bị áp lực không cần thiết.
Còn Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) Đoàn Minh Châu chia sẻ, khâu quan trọng nhất mà mỗi học sinh cần chú ý sau mỗi bài khảo sát là nhận ra lỗi sai để không lặp lại.
Trong khi đó, kinh nghiệm từ các thủ khoa của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và những học sinh có điểm đầu vào lớp 10 cao ở các năm trước là cần chọn lọc các kỳ thi thử để tham gia, không nên quá lo lắng mà làm mất thời gian vào các kỳ thi thử liên tiếp. Thời gian này, việc tập trung nghe hướng dẫn chữa bài của giáo viên rất quan trọng để củng cố kiến thức và rèn luyện kỹ năng. Khi kiến thức và kỹ năng làm bài thi từng dạng (trắc nghiệm, tự luận) được củng cố vững vàng thì tâm lý vào phòng thi cũng sẽ thoải mái hơn, làm bài thi bớt áp lực, từ đó tăng cơ hội trúng tuyển.
---------
Thầy giáo Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa):
Không nên công bố công khai điểm khảo sát
Để việc tổ chức khảo sát hiệu quả, nhà trường cần xây dựng kế hoạch từ đầu năm và thông báo để nhận sự đồng thuận của cha mẹ học sinh và học sinh, giáo viên. Khi đạt được sự thống nhất thì triển khai kế hoạch rõ về thời điểm, cấu trúc đề, giới hạn kiến thức, thời lượng, dạng thức đề kiểm tra, từ đó giúp học sinh chủ động hơn trong ôn tập và làm bài. Sau mỗi đợt kiểm tra cần đánh giá và tránh công bố công khai điểm. Thầy, cô giáo biết được học trò của mình chưa đạt ở kiến thức, kỹ năng nào thì có biện pháp hỗ trợ cụ thể từng cá nhân đó, không tạo thành việc gia tăng áp lực cho cha mẹ học sinh, học sinh một cách cơ học. Cha mẹ cần đồng hành cùng con và trao đổi với thầy, cô để tìm giải pháp giữ vững thành quả tốt, cải thiện những điểm chưa đạt yêu cầu…
Vào đại học hay đỗ trường trung học phổ thông công lập không phải là con đường duy nhất để học sinh lập thân lập nghiệp và thành công. Cần đặt mục tiêu, lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của người học.
Thầy giáo Vũ Đình Hà, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân (quận Thanh Xuân):
Lắng nghe để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng học sinh
Năm 2024 là năm có lứa học sinh lớp 12 cuối cùng thi tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Chia sẻ với tâm lý lo lắng của học sinh, nhà trường thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến kỳ thi, đặc biệt là chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc những em chưa đủ điều kiện tốt năm nay sẽ có phương án bảo đảm được thi theo đúng chương trình đã học.
Để giúp học sinh làm quen với kỳ thi tốt nghiệp, căn cứ ngân hàng câu hỏi của trường, giáo viên nhận xét, đánh giá, phân nhóm đối tượng học sinh và phụ đạo miễn phí cho học sinh có khó khăn trong học tập. Dù thời gian tới kỳ thi không còn dài, nhưng nhà trường không quá đặt nặng áp lực học tập và điểm số mà tạo không khí thoải mái, thư giãn cho học sinh bằng cách tổ chức đan xen các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Thông qua những hoạt động này, giáo viên có thể chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng học sinh, từ đó có sự hỗ trợ hiệu quả hơn.
Em Bùi Nguyễn Phương Chi, học sinh lớp 9A4, Trường Trung học cơ sở Ngọc Lâm, quận Long Biên:
Mong được chia sẻ để cố gắng thi tốt
Em rất mong Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sớm công bố chính thức số môn thi vào lớp 10 để chúng em yên tâm học tập. Chúng em là lứa học sinh cuối cùng học theo chương trình cũ, rất mong được giữ ổn định 3 môn thi gồm toán, ngữ văn và ngoại ngữ như năm học qua. Có một số bạn rất lo lắng, nếu chẳng may không trúng tuyển trường công lập, muốn thi lại vào năm sau, khi đó đề thi tuyển sinh được xây dựng theo chương trình mới thì sẽ còn khó khăn, áp lực rất nhiều lần.
Thời gian này, chúng em được thầy, cô giáo và bố mẹ thường xuyên động viên, dành sự hỗ trợ tối đa, tạo tâm lý thoải mái để học tập. Tuy nhiên thực tế vẫn có một số bạn bị áp lực do kỳ vọng của bố mẹ mong muốn con phải vào trường A, trường B nên liên tục dự các kỳ thi thử. Vì thế, việc được lắng nghe, đồng cảm sẽ giúp chúng em cởi mở, dễ dàng chia sẻ những khó khăn và cảm thấy thoải mái hơn để cố gắng đạt kết quả tốt trong kỳ thi tới.
Nguyễn Lê ghi