Phổ biến rộng rãi dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đến các tầng lớp nhân dân
UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch về việc đẩy mạnh thông tin, truyền thông dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo đó, các cấp, ngành của thành phố đẩy mạnh truyền thông, phổ biến rộng rãi dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đến các tổ chức và nhân dân để tạo sự thống nhất và tạo sự đồng thuận của các cơ quan, đơn vị trung ương và địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân trong và ngoài nước về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) góp phần thúc đẩy hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Thông qua tuyên truyền giúp người dân, doanh nghiệp nắm bắt kịp thời chính sách, pháp luật từ khâu soạn thảo, xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đến khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua và triển khai thi hành.
Để làm tốt việc này, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì hướng dẫn các cơ quan báo chí thành phố, báo chí trung ương và địa phương ký Chương trình phối hợp công tác với thành phố, chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở truyền thông dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Văn phòng UBND thành phố chủ trì, tổ chức họp báo, cung cấp thông tin về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và đơn vị liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Sở Tư pháp triển khai thực hiện kế hoạch này; thực hiện truyền thông dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua.
UBND thành phố lưu ý, các hoạt động thông tin, truyền thông, tuyên truyền, phổ biến cần bảo đảm hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm, đa dạng, phong phú hình thức thực hiện; thông tin kịp thời, ngắn gọn, đầy đủ, dễ hiểu, chính xác, bám sát quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.