Xã hội

Tạo động lực để trí thức cống hiến

Thu Hằng 30/01/2024 - 06:42

Muốn đất nước phát triển thì tiềm năng tri thức của đội ngũ trí thức Việt Nam cần phải được tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa.

Trong đó, vấn đề trọng tâm là cơ chế, chính sách để tạo môi trường cho trí thức cống hiến cần phù hợp với đòi hỏi của hoạt động trí tuệ trong bối cảnh hiện nay.

sinh-vien.jpg
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu khoa học tại phòng thí nghiệm.

Còn tồn tại, vướng mắc

Trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 6-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đội ngũ trí thức của Việt Nam, đặc biệt là trí thức về khoa học công nghệ đã có sự thay đổi rất lớn cả về lượng và chất. Nhiều cán bộ khoa học trẻ được đào tạo ở các nước phát triển đã quay trở về phục vụ cho nền khoa học công nghệ nước nhà. Số lượng công bố quốc tế của Việt Nam tăng lên rất nhanh. Việt Nam đã làm chủ nhiều công nghệ và tạo ra các sản phẩm công nghệ phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mặc dù vậy, bên cạnh những kết quả, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn vừa qua vẫn bộc lộ những hạn chế. Đội ngũ trí thức Việt Nam nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên nhân là do vướng mắc của hệ thống luật pháp. Thực tế cho thấy, muốn thực hiện chế độ ưu đãi đối với trí thức đòi hỏi các cơ chế, chính sách phải thực sự liên thông. Ví dụ như chế độ tiền lương, chế độ phụ cấp, chế độ nhà ở… Việc chuyển giao công nghệ cũng còn nhiều điểm nghẽn. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ, các bộ, ngành, địa phương đều cho rằng một số cơ chế, chính sách có thể phù hợp với quy định của luật này nhưng lại vướng mắc bởi quy định của luật khác nên thiếu tính khả thi.

“Nếu không kịp thời điều chỉnh, khu vực công lập sẽ vô cùng khó khăn. Các viện nghiên cứu, các trường đại học công lập sẽ không còn là điểm đến đủ sức hấp dẫn đối với những người giỏi, trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân có sức hút lớn với chế độ đãi ngộ tốt hơn cho những người làm khoa học. Tôi nghĩ cần phải khẩn trương cải cách chế độ tiền lương theo xu hướng làm sao để nhà khoa học có thể đủ sống bằng chế độ đãi ngộ của Nhà nước” - Tiến sĩ Nguyễn Quân nêu rõ.

Giáo sư Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, đội ngũ trí thức trong các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu công lập hiện nay vẫn được coi là viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Điều này làm hạn chế cơ hội để họ được thâm nhập vào thực tiễn, dẫn tới trí thức tham gia giải quyết những bài toán trong thực tiễn cuộc sống không nhiều. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học công lập đang tập trung tài chính để chi thường xuyên nên thiếu nguồn lực đầu tư cho môi trường làm việc, cơ sở vật chất...

Và một điểm nghẽn nữa, theo Giáo sư Lê Anh Tuấn, đó là quan điểm trong đầu tư ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ. Hiện nay, quan điểm đang thiên nhiều về sản phẩm, trong khi đáng lẽ phải tập trung vào đầu tư phát triển nguồn lực (con người và sản phẩm sáng tạo).

Hoàn thiện cơ chế, chính sách

Nghị quyết số 45-NQ/TƯ ngày 24-11-2023, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, một lần nữa đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ về tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức.

Để trí thức Việt Nam phát huy hết tài năng, tâm huyết, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Phúc, Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cần tạo ra động lực khuyến khích đội ngũ trí thức dấn thân. Thời gian tới, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách đột phá, tạo điều kiện cho các tổ chức khoa học công nghệ và đội ngũ trí thức có những điều kiện tốt nhất tham gia nghiên cứu khoa học và cống hiến.

“Thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TƯ, Đảng đã giao cho 2 Đại học Quốc gia và hai viện hàn lâm (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) xây dựng các đề án. Tôi rất mong các đề án đó sớm được phê duyệt và đi vào cuộc sống để đội ngũ trí thức có cơ hội cống hiến cho sự phát triển của đất nước” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Phúc bày tỏ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết, triển khai Nghị quyết số 45-NQ/TƯ, Viện đã thành lập tổ công tác xây dựng kế hoạch thực hiện. Dự kiến trong năm 2024 sẽ hoàn thành kế hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, qua đó kỳ vọng có những giải pháp mạnh mẽ nhằm phát huy năng lực của các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học trẻ cho sự nghiệp phát triển đất nước.