Nông sản sạch “đủ sức” phục vụ Tết
Những ngày cuối năm Quý Mão này, các hợp tác xã, nông dân, doanh nghiệp đang tập trung chăm sóc cây trồng, vật nuôi và sản xuất hết công suất để có đủ sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Giáp Thìn của người dân Thủ đô.
Giá cả ổn định
Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 này, trên các cánh đồng trồng rau, quả của thành phố luôn tấp nập, nhộn nhịp. Các hợp tác xã đang tập trung sản xuất, thu hoạch nông sản để đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) Hoàng Thị Hậu cho biết, hợp tác xã có 34ha trồng các loại rau, quả: Cải ngọt, cải xoăn, cà chua, đậu cô ve, mồng tơi, súp lơ... Để bảo đảm chất lượng rau hữu cơ, hợp tác xã đã yêu cầu các thành viên tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc trong quy trình gieo trồng. Vì vậy, sản phẩm sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Dịp Tết năm nay, giá bán có tăng, nhưng không nhiều; trung bình mỗi loại rau tăng từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg.
Trong khi các vùng trồng bưởi Diễn khác, nông dân đang gặp khó khăn về khâu tiêu thụ, thì bưởi Diễn của Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Đức Hậu - Lưu Quang ở xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ) vẫn được các doanh nghiệp, siêu thị lựa chọn.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Đức Hậu - Lưu Quang Lê Hữu Diện, hợp tác xã có gần 3ha trồng bưởi đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, năng suất ổn định hơn gấp nhiều lần so với bưởi trồng thông thường. Mỗi năm, hợp tác xã thu hoạch khoảng 30.000-40.000 quả bưởi và thường được khách hàng đặt mua hết từ trước Tết, với giá cả ổn định.
Thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất nông sản, thực phẩm sạch cũng đang hoạt động hết công suất. Giám đốc chất lượng Công ty TNHH Green Chicken (huyện Thường Tín) Chu Thị Thúy cho hay, công ty đang giết mổ 12.000 con gia cầm/ngày và chế biến sản phẩm thịt gia cầm cung cấp cho siêu thị, nhà hàng, bếp ăn công nghiệp ở khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận, với sản lượng khoảng 8.500 tấn/năm.
“Những ngày này, lượng người mua đã tăng nhiều và dự kiến mức tiêu thụ gia cầm của công ty tăng từ 10% đến 20% so với ngày thường”, bà Chu Thị Thúy cho biết thêm.
Kiểm soát chặt chẽ chất lượng
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng, do lo ngại về việc mất vệ sinh, an toàn thực phẩm, thời gian qua, rất nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn mua sắm tại kênh phân phối hiện đại, sản phẩm truy xuất được nguồn gốc và xu hướng này càng rõ nét trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Hiện tại, nông sản, thực phẩm sạch có mặt ở mọi nơi, từ các cửa hàng, siêu thị đến các chuỗi bán lẻ lớn.
Bà Đinh Thị Thu Giang ở phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), là khách hàng thường xuyên tiêu dùng thực phẩm sạch, an toàn, chia sẻ: “Mặc dù giá nông sản, thực phẩm ở ngoài chợ truyền thống có rẻ hơn, nhưng tôi vẫn tìm đến các cửa hàng thực phẩm sạch để mua, vì nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm”.
Để bảo đảm uy tín, thương hiệu cho những sản phẩm sạch cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bà Lê Thị Hoài Thu, chủ cơ sở bán hàng nông sản, thực phẩm sạch Hai Sương (quận Hà Đông) cho rằng, các ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng mặt hàng nông sản, thực phẩm trên thị trường, tránh tình trạng trà trộn hàng nhái, hàng kém chất lượng, làm mất uy tín của đơn vị cung ứng nông sản, thực phẩm sạch.
Tại buổi kiểm tra một số cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn Hà Nội mới đây, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Ngô Hồng Phong đã yêu cầu các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản và xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ, tập trung vào sản phẩm có lượng tiêu thụ lớn và có mối nguy cao; đồng thời, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn, vệ sinh thực phẩm theo quy định khi cần thiết.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn; thường xuyên giám sát, hậu kiểm tự công bố việc thực hiện các quy định của pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Cùng với đó, Sở phối hợp với các cấp, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm sản và thủy sản trên địa bàn thành phố.
Hiện tại, mỗi tháng các chuỗi thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành phố cung cấp cho Hà Nội khoảng 92.623 tấn rau, củ, quả; hơn 13.198 tấn thịt; hơn 31,3 triệu quả trứng; hơn 11.350 tấn thủy sản và hơn 232.522 tấn gạo, lương thực, nông sản khác.