Họa sĩ Ngọc Thọ: Lay động con tim bằng sự dung dị
Họa sĩ Ngọc Thọ (1925-2016) là một trong những họa sĩ nổi bật của mỹ thuật đương đại Việt Nam trưởng thành trong kháng chiến.
Trong những ngày cuối năm Quý Mão, gia đình cố họa sĩ đã cùng các nhà sưu tầm nghệ thuật đã tổ chức 2 cuộc triển lãm gần như đồng thời tại Không gian văn hóa Việt (16 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội), qua đó, người yêu nghệ thuật có thể cảm nhận sức sáng tạo mạnh mẽ, bền bỉ của ông và chiêm ngưỡng một phần gia tài nghệ thuật đồ sộ của họa sĩ Ngọc Thọ.
1. Họa sĩ Ngọc Thọ (tên đầy đủ là Nguyễn Ngọc Thọ), sinh ngày 3-3-1925 tại Hà Thủy, Hòa Đa, nay là xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Xuất thân trong một gia đình có cha làm nghề thuốc Đông y còn mẹ làm nghề may và buôn bán nhỏ, nhưng ông bộc lộ năng khiếu âm nhạc và hội họa từ bé.
Năm 20 tuổi, Ngọc Thọ tham gia phong trào Việt Minh, trở thành đội viên đội tự vệ Hỏa xa, tham gia nhiều trận chiến đấu tại mặt trận Nha Trang. Hai năm sau, ông gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam tại Liên khu 5 và xuất ngũ sau 5 năm (1952) vì lý do sức khỏe. Từ đây, Ngọc Thọ bắt đầu tham gia công tác văn nghệ tại thị xã Bồng Sơn, tỉnh Bình Định và đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong nghề in thạch bản phục vụ kháng chiến tại địa phương. Đầu năm 1955, ông tập kết ra Bắc.
Họa sĩ Ngọc Thọ là một trong 76 học sinh được tuyển chọn vào học khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957) tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Đội múa rối thuộc Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương tại Cầu Giấy, Hà Nội.
Trong thời gian này, họa sĩ Ngọc Thọ tiếp tục theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (khóa 1957- 1962), chuyên ngành sơn mài. Sau khi tốt nghiệp, ông về làm giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội), giảng dạy tại khoa Mỹ thuật cơ sở.
2. Là họa sĩ thuộc thế hệ thứ ba của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, Ngọc Thọ là một trong số ít họa sĩ có sự thể nghiệm với nhiều chất liệu và thể loại (sơn mài, sơn dầu, bột màu, phấn màu, màu nước, mực nho, khắc gỗ đen trắng...) mà chất liệu nào cũng thành công. Trong đó, nổi bật nhất là sơn mài. Tranh sơn mài của Ngọc Thọ có sự kết hợp khéo léo giữa tính dân tộc và hiện đại. Họa sĩ đã ghi dấu ấn của mình trong các tác phẩm sơn mài theo một lối đi riêng, tập trung thể hiện ở mảng đề tài phụ nữ Việt Nam và các con giống (hổ, ngựa, dê, gà...).
Các tác phẩm của ông chịu ảnh hưởng của nghệ thuật hiện đại châu Âu nhưng ông học tập phương Tây để rồi từ bỏ và quay về tinh thần phương Đông, lấy nét làm phương tiện chủ đạo, biến hóa một cách phong phú trong cách bố cục đơn giản nhưng vô cùng chặt chẽ. Nghệ thuật sử dụng nét trong tranh sơn mài Ngọc Thọ sắc sảo, bay bổng mà phóng khoáng. Chỉ cần vài nét lớn, Ngọc Thọ đã phác họa được một tác phẩm đẹp.
Tự nhận mình là người “khó tính, cố hữu, bảo thủ về chất sơn ta và sơn mài truyền thống”, họa sĩ Ngọc Thọ quan niệm rằng: “Không có gì thay thế được cái đẹp có chiều sâu và dung dị của sơn mài đích thực”. Có lẽ chính vì vậy mà hình thái, cấu trúc, đường nét trong tranh sơn mài của ông đều theo lối kinh điển. Nói về tác phẩm tiêu biểu của ông, có thể kể tới “Phong cảnh nông thôn Hưng Yên”, “Phong cảnh Thư Thị, Hưng Yên”, “Sinh viên tập quân sự”, “Chiều vàng”, “Thiếu nữ và phố cổ”, “Cô gái đứng chải tóc”, “Thiếu nữ nằm”, “Tóc gió thôi bay”, “Thiếu nữ khỏa thân”, “Khỏa thân trên biển”, “Nắng hanh vàng”, “Ngựa”, “Hổ”, “Bóng câu qua cửa”, “Phụ tử”, “Dê”...
Họa sĩ Ngọc Thọ sáng tác nhiều, dùng nhiều chất liệu để biểu đạt, mỗi thể loại ông đặt bút đều cho ra những tác phẩm đáng nể. Ngoài sơn mài, ông cũng có rất nhiều tranh sử dụng chất liệu khác, có thể kể đến “Bác Hồ nghỉ chân dọc đường”, “Hải Phòng chống chiến tranh phá hoại”, “Trên cánh đồng”, “Dắt trâu về”, “Thăng Long”, “Tiếng đàn”, “Mây ngày nắng đẹp”, “Trừu tượng không gian”, “Hổ”, “Hầm mỏ”, “Xưởng đúc nhôm Hải Phòng”, “Phong cảnh nông thôn Bắc Bộ”... Các tác phẩm đều đậm dấu ấn dân tộc, thể hiện nét đẹp văn hóa, con người, quê hương đất nước.
3. Họa sĩ Ngọc Thọ luôn đặt cả tâm huyết, niềm đam mê và sự chuyên nghiệp trong mỗi tác phẩm - điều được giới chuyên môn đánh giá cao. Cả cuộc đời nghệ thuật của mình, họa sĩ chỉ tham gia trưng bày tranh 3 lần, nhưng là triển lãm nhóm chứ chưa từng làm triển lãm cá nhân.
Năm 1993, lần đầu tiên ông tham gia triển lãm chung cùng vợ, họa sĩ Yên Hòa, tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền; triển lãm mang tên “Ngọc Thọ và Yên Hòa”. Cùng năm đó, ông và Nguyễn Đỗ Cung, Đinh Trọng Khang, Vũ Duy Nghĩa, Đoàn Văn Nguyên mở triển lãm tại thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 1-1995, Ngọc Thọ tham gia triển lãm “Xuân 95” (tại Hà Nội) với các tác giả Đường Ngọc Cảnh, Vũ Duy Nghĩa, Huy Oánh, Trần Khánh Chương, Đoàn Văn Nguyên. Đây cũng là triển lãm cuối cùng của ông khi còn sống.
Sinh thời, họa sĩ Ngọc Thọ hầu như không gửi bán tranh ở các gallery và cũng ít chia sẻ với số đông nên người yêu hội họa chỉ thực sự được chiêm ngưỡng gia tài của Ngọc Thọ khi ông đã không còn nữa, qua 2 cuộc triển lãm mới đây do vợ và các nhà sưu tầm nghệ thuật tổ chức. Trong 125 tác phẩm được trưng bày trong 2 cuộc triển lãm này có tranh sơn mài, sơn dầu, bột màu, màu nước hoặc ký họa, tất cả khiến người xem mãn nhãn.
Tranh của ông mang đậm dấu ấn hiện thực, khắc họa rõ nét và tôn vinh vẻ đẹp lao động của những người công nhân, nông dân, trí thức trong sản xuất cũng như trong cuộc sống đời thường. Phong cảnh làng quê Việt Nam hiện lên trong tranh ông mang vẻ đẹp dung dị và ấm áp lạ thường.
Các tác phẩm thời gian sau này của họa sĩ Ngọc Thọ thiên về phong cách trừu tượng, lập thể với sự tìm tòi và trải nghiệm mới đậm vẻ suy tư, suy ngẫm về cuộc đời, về vũ trụ với những hình tượng xoáy ốc hay hình tượng âm - dương. Một đề tài mà ông yêu thích, và cũng rất thành công, là các con giống. Bằng bút pháp khoáng hoạt, khỏe khoắn, các con hổ, ngựa, dê, gà... hiện lên trong tranh ông thật đặc biệt, vẻ lộng lẫy được tôn lên qua chất liệu sơn mài với tông màu vàng, bạc, son, đỏ, đen, cánh gián...
Đặc biệt, người xem xúc động với vẻ đẹp người phụ nữ Việt qua các bức tranh về thiếu nữ Hà Nội và tranh nude. Những cô gái trong tranh Ngọc Thọ hút hồn người xem qua mái tóc bồng bềnh như mây, đôi mắt to tròn ngơ ngác, dịu hiền. Cố họa sĩ đã thể hiện những “tòa thiên nhiên” vừa gợi cảm cuốn hút vừa trong sáng, không dung tục mà sâu lắng, truyền cảm hứng về vẻ đẹp của người phụ nữ.
Tranh Ngọc Thọ có được chiều sâu là nhờ ông có một nền tảng kiến thức vững vàng, không chỉ về văn hóa mà còn cả triết học, âm dương, Kinh Dịch...; đặc biệt, ông biết nhiều thứ tiếng và thành thạo 2 ngoại ngữ: tiếng Anh và tiếng Pháp.
Có thể khẳng định, tác phẩm của Ngọc Thọ thể hiện chiều sâu nghệ thuật, truyền tải nhiều tầng ý nghĩa qua vẻ ngoài dung dị, đó chính là cách họa sĩ Ngọc Thọ lay động con tim công chúng yêu nghệ thuật trong quá khứ và cả sau này.
Họa sĩ Ngọc Thọ có nhiều tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và nhiều bộ sưu tập tư nhân trong nước và quốc tế. Bức “Ngựa” (sơn mài) và “Hổ” (sơn dầu) hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; tác phẩm “Người con gái Việt Nam” (sơn mài, 1984) - giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm 1989; tác phẩm “Long Hổ” (sơn mài, 1984) được Hội Mỹ thuật Việt Nam chọn tặng Hội Mỹ thuật Ba Lan trong Triển lãm giao lưu văn hóa quốc tế 12 nước xã hội chủ nghĩa; tác phẩm “Ngóng đợi” (sơn mài - 1984) tham gia Triển lãm 12 nước xã hội chủ nghĩa năm 1984 tại Tiệp Khắc, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Ba Lan…
Đặc biệt, tác phẩm “Hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ của nhân dân ba miền Bắc, Trung, Nam” (đá dăm nhuộm sơn màu - 1970) được Thủ tướng Phạm Văn Đồng trao tặng Giải thưởng Vì đóng góp cho công cuộc giải phóng đất nước năm 1981…