Xã hội

Vườn thú Hà Nội không để các con thú đói, rét

Bảo Hân 28/01/2024 14:09

Trước một số thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội về việc một số loài thú không được chăm sóc kỹ lưỡng, để đói rét tại Vườn thú Hà Nội, qua tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, đó là thông tin không đúng sự thật.

3125b508-7fc8-4bb0-9f9a-234b8c3f45d2.jpeg
Cán bộ Vườn thú Hà Nội dẫn phóng viên đi tác nghiệp, bảo đảm các điều kiện an toàn tại Vườn thú sáng 24-1.

Trước đó, ngày 24-1, khi thời tiết Hà Nội đang vào đỉnh điểm của đợt rét đậm, rét hại, phóng viên Hànộimới đã liên hệ và được lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội (Vườn thú Hà Nội) nhiệt tình giúp đỡ, tạo điều kiện để tác nghiệp trực tiếp tại các khu vực chuồng trại, nhà lồng… nơi hàng trăm cá thể đang được nuôi nhốt, trưng bày.

Theo quan sát trực tiếp của phóng viên, các loại thú đều được nhận chế độ chăm sóc đặc biệt, từ thêm lượng thức ăn đến áp dụng các biện pháp giữ ấm, tăng sức chống chịu trong giá rét.

c5b6c3a71482bedce793.jpg
Khu vực chuồng lồng ngoài trời được dùng lá cọ che chắn theo hướng gió.

Ông Nguyễn Danh Cường, Phó Giám đốc Xí nghiệp Chăn nuôi và phát triển động vật số 1, đơn vị trực thuộc công ty, cho biết, việc chống rét cho các loài động vật, đặc biệt là động vật quý hiếm đã được thực hiện từ nhiều năm nay nên trước mùa đông, vườn thú đã lên kế hoạch kỹ lưỡng, chủ động giữ ấm cho các loài thú theo đặc tính, điều kiện sinh sống.

Tại các khu vực nuôi chim, gà, khỉ, vượn… ở ngoài trời đều được che chắn kỹ theo hướng gió bằng lá cọ khô hay các tấm nhựa. Nhiều loài đều có chuồng bên trong nhà để vào tránh rét. Khu nuôi giữ các loài hươu, nai, linh dương… có củi đốt 24/24 giờ để các loài được sưởi ấm tự nhiên. Bên trong nhà chuồng có mái che, các máng cỏ đều được tăng cường để chúng có thêm năng lượng chống rét. “Với các loài thú nhỏ ăn thịt như thịt lợn, thịt gà hoặc hoa quả tươi... thì cũng đều được cho ăn thêm”, chị Nguyễn Thu Vân, công nhân tại Tổ nhà lồng cho biết.

e39e257ef05b5a05034a.jpg
Củi đốt sưởi ấm cho các loài hưu, nai...

Đặc biệt, với các loài thú lớn, quý hiếm như voi, hà mã, sư tử, hổ… thì đều có máy sưởi, máy điều hòa hoặc bình nước nóng để giữ nhiệt độ cho cơ thể. “Khi nhiệt độ xuống thấp, ngoài hệ thống sưởi điện sẽ được tăng cường thêm đốt sưởi bằng củi 24/24 giờ. Khu vực này cũng đã được che chắn kỹ bằng hệ thống bạt phủ tấm lớn”, ông Nguyễn Danh Cường trao đổi với phóng viên tại khu vực nuôi nhốt voi. Ngoài khẩu phần ăn khoảng 200kg các thức ăn xanh như cỏ hằng ngày, voi được cho ăn thêm các loại củ quả giàu năng lượng như khoai, bí ngô, cà rốt…

e31e52b39b9631c86887.jpg
ae92493280172a497306.jpg
Các loài thú đều được tăng lượng thức ăn khi thời tiết giá rét.

Tương tự, ông Nguyễn Quang Phúc, Tổ trưởng Tổ chăn nuôi thú giữ cũng tạo điều kiện cho phóng viên được vào tác nghiệp tại khu vực chuồng tạm, nơi đang nuôi giữ 2 sư tử và 6 cá thể hổ. Tại trước cửa mỗi chuồng, máy sưởi đều được vận hành liên tục. “Ngoài khẩu phần ăn được quy định mỗi ngày gồm từ 5-6kg thịt bò, 1kg sườn và 3 lạng gan, với các cá thể có sức ăn tốt hơn, đều được cho ăn thêm trong những ngày giá rét”, ông Phúc cho biết.

9de7294ae06f4a31137e.jpg
Ông Nguyễn Danh Cường đưa phóng viên đi tác nghiệp tại khu vực nhốt voi được sưởi ấm bằng hệ thống máy điều hòa và bổ sung thêm củi đốt bên trong, tấm che phía ngoài.

Thông tin từ các cán bộ, công nhân viên Vườn thú Hà Nội, cũng như qua ghi nhận thực tế cho thấy, thông tin một số loài thú đang được nuôi nhốt tại đây bị đói hoặc để sinh sống trong điều kiện rét mướt là không đúng thực tế.

Hằng ngày, thức ăn cho đàn động vật được các cán bộ giám sát của Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội và Công ty kiểm tra về khối lượng, chất lượng bảo đảm đúng theo định mức, đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra Công ty còn tăng cường, bổ sung khẩu phần thức ăn cho đàn động vật để tăng cường sức khoẻ chống giá rét.

Thông tin về 42 cá thể khỉ đang được quản lý, chăn nuôi, trưng bày tại Vườn thú, Chủ tịch Công ty Lê Sỹ Dũng cho biết, các cá thể này đều khỏe mạnh, linh hoạt, ăn uống vận động bình thường. Các chuồng trại nuôi nhốt đã được lắp kính, che chắn bằng tôn, tấm nhựa đảm bảo chống rét, vệ sinh sạch sẽ. Vài cá thể khỉ bị bệnh nấm, bệnh ký sinh trùng trên da hoặc già yếu đang được điều trị trong khu cách ly và thể trạng hiện đã ổn định và tốt hơn.

Với cá thể hươu cao cổ đã bị chết vào ngày 5-9-2023, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội đã phối hợp cùng Công ty và Viện Thú y quốc gia mổ khám, xác định nguyên nhân và gửi mẫu bệnh phẩm đến bộ môn vị trùng Viện Thú y quốc Gia để xét nghiệm. Kết quả cho thấy cá thể này bị nhồi huyết đột quỵ gây đột tử.