Văn hóa

Văn học trẻ: Thành công từ khai thác yếu tố dân gian

An Nhi 28/01/2024 - 07:30

Bên cạnh những cách viết hiện đại, mang tính toàn cầu, hội nhập, trên văn đàn Việt xuất hiện các tác giả trẻ thành công trong việc khai thác yếu tố dân gian, bản địa, thuần Việt. Thậm chí, có “cây bút” còn trở thành hiện tượng với sách bán tốt và tác phẩm được chuyển thể thành nhiều loại hình nghệ thuật khác. Đây là một hướng đi tích cực, cần được khích lệ, cổ vũ.

van-hoc.jpg
Sách, truyện khai thác yếu tố dân gian, bản địa được viết thuần Việt thu hút độc giả trẻ hiện nay.

Từ nhu cầu của thị trường

Ngay từ khi ra mắt, tác phẩm đầu tay của nhà văn "thế hệ 9X" Thảo Trang - “Tết ở làng Địa Ngục” đã tạo nên cơn sốt trên thị trường, trở thành một trong những tiểu thuyết kinh dị ăn khách nhất của Việt Nam năm 2022. Tiểu thuyết này lấy bối cảnh xã hội Việt Nam thế kỷ XVI-XVII, xoay quanh một ngôi làng có tên là làng Địa Ngục, nằm sâu trong một cánh rừng heo hút trên núi cao, sương mù quanh năm che phủ. Ở đây, người dân đón một cái Tết với những chuyện dị thường, những kinh hãi tột độ, nhiều bi kịch tàn khốc… Trong cuốn sách, tác giả đã lồng ghép khéo léo những chất liệu dân gian Việt như chuyện tín ngưỡng, cổ thuật, bùa chú, chuyện ba hồn bảy vía, sinh vật thành tinh… Đây cũng là yếu tố tạo nên thành công của tác phẩm.

“Tết ở làng Địa Ngục” được in 4.000 bản trong lần xuất bản đầu, gấp 3 lần các cuốn sách thông thường và liên tục được tái bản, đến nay đã bán được hơn 12.000 bản sách. Sức hút của tác phẩm chưa dừng lại khi bộ phim cùng tên chuyển thể từ tiểu thuyết, do đạo diễn Trần Hữu Tấn thực hiện, liên tục đứng đầu lượt xem trên nền tảng K+ và Netflix khu vực Việt Nam, đồng thời giành giải “Hiện tượng phim ảnh” tại Giải thưởng Ngôi sao của năm 2023…

Cuốn tiểu thuyết thứ 2 của nhà văn Thảo Trang cũng ra mắt trong năm 2022 là “Ngủ cùng người chết” có 600 bản đặt trước và đã được tái bản. Tác phẩm khai thác tệ nạn buôn người, nhưng lồng ghép nhiều yếu tố tâm linh của người Việt. Còn tiểu thuyết cũng của tác giả này là “Kẻ ăn hồn” về thuở sơ khai của làng Địa Ngục, mới chỉ đăng một vài phần trên mạng xã hội, đã được chuyển thể thành phim cùng tên. "Kẻ ăn hồn" trở thành phim kinh dị ăn khách nhất Việt Nam năm 2023 và đang "đổ bộ" các rạp chiếu phim tại Mỹ. Tác giả Thảo Trang cũng tiết lộ đã viết xong tiểu thuyết “Quỷ nhân ngư” về người cá trong dân gian Việt Nam và sớm xuất bản “Tết ở làng Địa Ngục 2: U hồn tượng đất”… Thông tin này khiến độc giả vô cùng háo hức.

“Ma quỷ dân gian ký” là bộ sách tranh của họa sĩ Duy Văn, sử dụng phong cách vẽ tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống… cùng nét vẽ dí dỏm của mình để tái hiện những chuyện ma quỷ, tâm linh truyền miệng của người Việt Nam. Cùng những bức tranh dễ thương, gần gũi, không gây ám ảnh nhưng vẫn giữ được sự dị thường, họa sĩ trẻ này còn kể lại các câu chuyện theo ngôn ngữ của riêng mình, thu hút nhiều độc giả.

Theo tác giả Thảo Trang, những chuyện tâm linh, chuyện ma với các nhân vật quỷ dị cực kỳ gần gũi với người Việt Nam. Khai thác những yếu tố này sẽ khiến độc giả, nhất là các bạn trẻ tò mò, cảm thấy vừa quen, vừa lạ và bị hấp dẫn. Không chỉ vậy, trong công việc, tiếp xúc với nhiều người nước ngoài, tác giả Thảo Trang cho hay, độc giả quốc tế cũng có nhu cầu đọc sách, tìm hiểu những câu chuyện độc đáo mang tính bản địa, khác biệt như thế…

Nghiên cứu, đào sâu nghiêm túc

Khi thị trường văn học có nhu cầu với những tác phẩm văn học mang yếu tố bản địa, dân gian đặc sắc của người Việt thì càng đòi hỏi người viết phải đào sâu nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Nhà văn Thảo Trang cho biết, cô đã phải dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tư liệu từ đời sống, sách báo, tạp chí; tham khảo ý kiến chuyên gia, như lực lượng công an, pháp y…, để mỗi trang viết của mình đều có cơ sở, giá trị khoa học. Nữ tác giả trẻ này cho hay, tác phẩm của mình luôn sử dụng ngôn ngữ thuần Việt, gần gũi với người Việt để kể câu chuyện của người Việt.

Theo tác giả Thảo Trang, yếu tố tâm linh, kinh dị chỉ là bề ngoài của tác phẩm, muốn thành công, chinh phục khán giả hiện nay phải ẩn sâu trong đó nhiều giá trị sâu sắc. “Tôi muốn thổi hồn của văn hóa Việt vào tác phẩm của mình. Một tác phẩm văn học dù ở thể loại gì cũng cần có thông điệp nhân văn, đào sâu những đề tài “nóng” của xã hội và toát lên niềm tự hào dân tộc”, tác giả “Tết ở làng Địa Ngục” chia sẻ.

Với mong muốn tái hiện sát những hình tượng ma quỷ trong dân gian Việt Nam, họa sĩ Duy Văn đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, từ kho tàng văn hóa, văn học dân gian được truyền miệng lẫn qua sách báo. Theo tác giả “Ma quỷ dân gian ký”, đằng sau mỗi câu chuyện đều ẩn chứa những kiến thức thú vị, giúp giới trẻ hiểu thêm về phong tục, tập quán của người Việt.

Tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ cho rằng, tìm về những yếu tố dân gian, truyền thống, bản địa là một hướng đi đầy tiềm năng cho các tác giả trẻ. Song, để một tác phẩm văn học thành công, có giá trị bền lâu thì không những cần cốt truyện hay, nhiều yếu tố bất ngờ, thú vị mà còn phải hướng đến những giá trị bền vững như tình yêu quê hương, đất nước, tính nhân văn, nhân đạo...

Nhà văn Đức Anh, đại diện Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Linh Lan (Linh Lan Books) cho biết, các đơn vị xuất bản đang có sự đầu tư chiến lược vào dòng sách của thế hệ tác giả mới ở Việt Nam và đặc biệt là những tác giả, tác phẩm khai thác kiến thức bản địa, văn hóa. Bởi đây là dòng sách thu hút cả độc giả Việt Nam và quốc tế, đã có thành công thực tế trên thị trường.