Hà Nội: Loại trừ bệnh sốt rét và ký sinh trùng thường gặp
UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch về phòng ngừa bệnh sốt rét quay trở lại sau loại trừ và phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2025.
Theo đó, thành phố sẽ duy trì bền vững kết quả loại trừ bệnh sốt rét và làm giảm tỷ lệ mắc bệnh ký sinh trùng thường gặp, góp phần nâng cao sức khỏe người dân; phấn đấu không có trường hợp tử vong vì sốt rét tại cộng đồng; giảm tỷ lệ nhiễm, cường độ nhiễm và giảm gánh nặng bệnh giun, sán truyền từ động vật sang người gây nên tại các vùng dịch tễ.
Thành phố cũng nỗ lực để giảm tỷ lệ nhiễm, cường độ nhiễm và giảm gánh nặng bệnh giun qua đất, ưu tiên ở các đối tượng nguy cơ cao như trẻ em từ 12 đến 60 tháng tuổi, học sinh tiểu học từ 6 đến 11 tuổi và phụ nữ độ tuổi sinh sản từ 15 đến 45 tuổi. Đồng thời, củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống phòng, chống bệnh sốt rét, bệnh ký sinh trùng thường gặp trên địa bàn toàn thành phố.
Về các chỉ tiêu cụ thể, 100% số người đi về từ vùng sốt rét lưu hành được quản lý, theo dõi, lấy máu xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét; 100% trường hợp bệnh sốt rét ngoại lai được phát hiện, báo cáo, điều tra, quản lý, theo dõi và điều trị kịp thời, đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đáng chú ý, thành phố sẽ xây dựng bản đồ và xác định vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng trên địa bàn giai đoạn 2024-2025; mỗi năm, giảm 10% tỷ lệ nhiễm giun truyền qua đất và sán lá gan nhỏ tại các vùng dịch tễ để đến năm 2025 giảm 20% so với hiện tại; các bệnh giun sán thường gặp khác được phát hiện và xử lý kịp thời.
Cùng với đó, điều trị 100% cho người được chẩn đoán mắc bệnh ký sinh trùng; tẩy giun 1-2 lần/năm cho các đối tượng ưu tiên, thuộc các vùng dịch tễ có tỷ lệ nhiễm trên 20%; tẩy sán lá gan nhỏ 1 lần/năm cho đối tượng nguy cơ tại các vùng dịch tễ có tỷ lệ nhiễm trên 20%; 100% các vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng tiến hành các biện pháp phòng chống.
Trên 50% người dân tại các vùng dịch tễ và được tiếp cận các thông tin tuyên truyền về phòng, chống các bệnh ký sinh trùng; 100% trạm y tế xã, phường tại các vùng dịch tễ tiến hành được các hoạt động phòng, chống bệnh giun truyền qua đất, bệnh giun sán truyền qua thức ăn và báo cáo kết quả thực hiện; 100% cơ sở y tế các tuyến có cán bộ được đào tạo về giám sát và phòng, chống bệnh sốt rét, bệnh ký sinh trùng thường gặp, tiến hành được các hoạt động phòng, chống và thực hiện tốt báo cáo.
UBND thành phố giao Sở Y tế tham mưu chỉ đạo công tác phòng ngừa bệnh sốt rét quay trở lại sau loại trừ và phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024-2025 và chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã triển khai đồng bộ các hoạt động phòng ngừa sốt rét quay trở lại tại địa phương…