Trang trí đường phố dịp lễ tết: Chờ những sáng tạo tâm huyếtChiếu sáng đô thị cần phản ánh được bản sắc của nơi chốn
“Trang trí đường phố nói riêng, sắp đặt không gian công cộng nói chung phải gợi lên ký ức của nơi chốn, tôn trọng sự đa dạng của cảnh quan đô thị”, đó là chia sẻ của TS.KTS Lê Phước Anh (Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc Gia Hà Nội), người có nhiều năm nghiên cứu về quy hoạch, cảnh quan.
- Thưa TS.KTS Lê Phước Anh, trang trí đường phố nói riêng và không gian công cộng nói chung thường được nhìn nhận như thế nào?
- Trang trí chỉ là một yếu tố mang lại sự hấp dẫn trong tổng thể không gian công cộng vốn bao gồm rất nhiều thành phần. Với những đô thị cổ, chúng ta có thể bắt gặp những thứ chủ yếu mang tính trang trí như các bức tượng, phù điêu, tranh tường..., nhưng về cơ bản, hiệu quả thẩm mỹ đến từ sự tổng hợp của mọi thành phần hiện diện.
Phần lớn các thành phần này không chỉ để làm đẹp, mà còn đảm nhận nhiều chức năng và ý nghĩa khác. Những vỉa hè được lát gạch với họa tiết vui mắt nhưng cũng giúp đảm bảo độ phẳng để thuận tiện cho khách bộ hành. Các hàng cây được chăm sóc xanh mướt nhưng cũng là để tạo bóng mát, góp phần cải thiện điều kiện môi trường. Vẻ đẹp tổng thể không chỉ phụ thuộc vào những tòa nhà được giữ gìn sạch sẽ, mà còn từ những cột đèn, ghế đá hay thùng rác công cộng được thiết kế, bố trí phù hợp với cảnh quan chung...
Khi tổ chức sự kiện quan trọng, chúng ta chăng đèn kết hoa, ứng dụng nghệ thuật ánh sáng để trang trí không gian công cộng, nhưng điều đó chỉ mang tính thời điểm. Về cơ bản trong đời sống hằng ngày, đường phố hay không gian công cộng sẽ hấp dẫn khi cộng hưởng tất cả yếu tố cần có. Chẳng hạn, đường phố trở nên rực rỡ là nhờ một phần vào người qua lại ăn mặc đẹp đẽ với tâm thế hân hoan. Đó chính là đường phố đẹp nhất.
- Tôi đồng ý với anh về quan niệm cái đẹp trong sự hài hòa mà đa dạng. Nếu chỉ nói về trang trí thuần túy, anh có quan sát và gợi ý gì về cách trang hoàng đường phố tại Thủ đô Hà Nội trong những năm gần đây?
- Đường phố Hà Nội có phong cách trang trí riêng nếu so với những nơi khác, chẳng hạn như thành phố Hồ Chí Minh. Về đêm, nhiều người có lẽ sẽ thích kiểu trang trí mang tính hoành tráng, bắt mắt như có thể thấy ở thành phố mang tên Bác vào dịp Noel hoặc lễ, tết. Khi vào Huế, tôi thấy cầu Trường Tiền được chiếu sáng theo một cách rất thú vị, giúp nó nổi bật trên nền khu bờ Bắc sông Hương vốn chỉ điểm xuyết ánh sáng le lói vừa phải để khu Đại Nội thêm bí ẩn.
Ở Hà Nội có những đường phố được tôn lên thật đẹp, nhưng cũng có những nơi không được đẹp lắm sau khi trang trí. Thật khó lấy cách nhìn nơi này để đánh giá nơi khác, nhưng điều đầu tiên là việc trang hoàng cần làm nổi bật tinh thần, nét riêng của điểm đến. Những khu vực khác nhau cần phản ánh tinh thần khác nhau. Nhìn chung, tôi nghĩ, việc thiết kế trang trí cần có sự tham dự của những chuyên gia chứ không chỉ là trách nhiệm riêng của các công ty công viên cây xanh, môi trường đô thị hay chiếu sáng. Trừ khi có bộ phận thật sự chuyên trách, còn không thì những công ty này có thể mời nhà thiết kế bên ngoài cộng tác tùy theo tính chất sự kiện. Như vậy thì ấn tượng sẽ được nâng lên rất nhiều, thay vì chỉ dừng ở hiệu ứng vui mắt hay đèm đẹp chung chung.
- Theo cảm nhận chủ quan của tôi, dường như người ta đang tận dụng khá nhiều “ngôn ngữ” ánh sáng để tạo ra sự bắt mắt?
- Chiếu sáng ngày nay đa phần sử dụng đèn led để tối ưu hiệu quả về tiêu thụ năng lượng. Với những công trình quan trọng, người ta thường cho ánh sáng hắt lên mảng lớn, hoặc kết hợp đèn viền làm nổi bật hình khối hay đường nét các tòa nhà. Bên cạnh các xu hướng thịnh hành, lựa chọn giải pháp chiếu sáng đôi khi còn liên quan đến ký ức tập thể. Tôi vẫn nhớ về một thời thơ ấu, khi Hà Nội thường chăng những bóng đèn sợi đốt với nhiều màu khác nhau lên các tán cây, đặc biệt là khu vực xung quanh hồ Gươm.
Ngày nay, nhìn lại chúng ta sẽ thấy có gì đó hoài cổ, dẫu không gây ấn tượng hiện đại nhưng nó vẫn rực rỡ theo cách thật giản dị và thân thương. Cá nhân tôi nghĩ, chúng ta vẫn có thể áp dụng lại cách treo đèn như vậy để trang trí phục vụ một số sự kiện hôm nay, chẳng hạn, vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô có thể sử dụng đèn led để tiết kiệm điện. Như thế vẫn hay hơn việc trang trí bằng những dàn đèn nhấp nháy nhập khẩu từ Trung Quốc hiện có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu.
Đôi khi nghĩ vui, chúng ta thấy một số mô típ trang trí quen thuộc như chim, hoa, ngôi sao, cánh diều... với cách tạo hình hồn nhiên như khi làm bích báo thời học sinh dường như đã trở thành một phần “bản sắc Hà Nội” vì được lặp lại đều đặn hằng năm. Trong hoàn cảnh khó khăn ở thời bao cấp thì có thể hài lòng với sự hồn nhiên kiểu này. Nhưng trong điều kiện của hôm nay, khi mọi thứ tốt hơn rất nhiều thì cách trang trí như vậy rõ ràng là chưa tương xứng với tầm vóc Thủ đô. Trong trường hợp này, thà để đường phố toát lên vẻ đẹp tự thân còn hơn để chúng bị “make up” một cách không đến nơi đến chốn.
Sẽ là không chuyên nghiệp nếu các phương án chiếu sáng trang trí chỉ dừng lại ở mục tiêu tạo cảm giác tưng bừng vui mắt. Ở mỗi địa phương, chiếu sáng cần được thiết kế nghiêm túc để phản ánh những câu chuyện và đặc trưng văn hóa, chứ không nên cam chịu phụ thuộc vào thiết bị được bày bán sẵn. Những họa tiết, hoa văn có thể kế thừa truyền thống nhưng cũng nên được cách điệu để tính thẩm mỹ được nâng tầm, để những hàng cây cũng có thể góp câu chuyện về đặc trưng của phố hay bản sắc nơi chốn.
Điều đó phụ thuộc một phần vào cách chúng ta trang trí, sao cho vẫn chia sẻ được điểm chung để tạo sự kết nối, nhưng từng khu vực, chẳng hạn như ở Hà Nội thì khu phố cổ, phố cũ, các khu tập thể hay khu đô thị mới... cần có sự khác nhau. Sự đa dạng này không chỉ làm phong phú thêm cảnh quan đô thị, mà còn giúp câu chuyện lịch sử, văn hóa ở từng nơi thêm phần sống động, đặc sắc.
- Việc sử dụng công nghệ 3D Mapping để tôn lên vẻ đẹp về đêm của các công trình kiến trúc cổ có mang lại hiệu quả dài lâu, thưa anh?
- Những thứ mới lạ dễ được nhiều người hưởng ứng, nhưng theo thời gian thì hiệu quả tùy thuộc cách làm và tính chất sự kiện. 3D Mapping không phải là công nghệ phục vụ trình chiếu hằng ngày mà thường dành cho những dịp đặc biệt. Nếu không, nó chỉ được dùng với tần suất nhất định tại những nơi quan trọng nhằm làm nổi bật một địa danh, di sản trước mắt khách tham quan.
Nói chung, việc sử dụng công nghệ cần có phương án tối ưu cho từng bài toán cụ thể. Trên thế giới, Lyon của Pháp là một thành phố rất nổi tiếng với việc trình chiếu ánh sáng. Họ thậm chí có cả lễ hội ánh sáng được tổ chức định kỳ hằng năm. Ở nhiều nước châu Âu khác, việc chiếu sáng cũng có thể được tích hợp vào kịch bản của đời sống đô thị, và tùy thời điểm mà 3D Mapping có thể tham gia.
- Theo anh, để nâng cao hiệu quả thẩm mỹ cho không gian công cộng và tránh lãng phí, cần lưu ý đến những yếu tố nào?
- Nhân tố quan trọng nhất chính là sự tham gia của các kiến trúc sư thực hành thiết kế đô thị, những người luôn có cái nhìn tổng thể dù đối tượng can thiệp là một tuyến phố, một quảng trường hay cả một khu vực rộng lớn. Họ sẽ là người nghiên cứu hiện trạng, đề ra giải pháp và đạo diễn sự tham gia của các đối tác và thành phần khác. Sự lãng phí luôn có nếu thiếu đi một kịch bản thống nhất, vì lúc đó các nguồn lực sẽ không được tối ưu hóa, và chúng ta sẽ chỉ có được vẻ đẹp cục bộ, manh mún.
- Trân trọng cảm ơn TS.KTS Lê Phước Anh!