Giải phóng mặt bằng dự án Đại học Quốc gia Hà Nội: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Quá trình g iải phóng mặt bằng dự án Đại học Quốc gia Hà Nội gặp nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Thực hiện các quyết định của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) từ năm 2003 đến năm 2005 về việc thu hồi hơn 1.200ha đất của các đơn vị giao cho Đại học Quốc gia Hà Nội quản lý để triển khai xây dựng dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc và các dự án thành phần, huyện Thạch Thất đã phối hợp với cơ quan chức năng, đơn vị liên quan, chính quyền cơ sở triển khai giải phóng mặt bằng theo quy định. Tuy nhiên, quá trình này gặp nhiều vướng mắc và đến nay vẫn chưa thể về đích, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Khó khăn từ chủ đầu tư
Theo thống kê của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất, tính đến ngày 24-1-2024, dự án Đại học Quốc gia Hà Nội và các dự án thành phần triển khai trên địa bàn xã Thạch Hòa và xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) mới giải phóng được khoảng 1.001,3/1.218,1ha đất các loại (đạt 82%), còn hơn 216,8ha đất chưa giải phóng mặt bằng.
Trong số diện tích còn lại chưa giải phóng mặt bằng, riêng dự án Đại học Quốc gia Hà Nội còn khoảng 109,433ha. Còn lại là diện tích thu hồi triển khai các dự án thành phần như: Đại học Quốc gia xã Tiến Xuân, tái định cư Đại học Quốc gia Hà Nội, thu hồi đất của Bộ Tư lệnh Pháo binh giao Đại học Quốc gia Hà Nội…
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan, nguyên nhân khiến công tác giải phóng mặt bằng dự án Đại học Quốc gia Hà Nội chậm tiến độ là do quá trình thực hiện dự án có sự thay đổi chủ đầu tư từ Đại học Quốc gia Hà Nội sang Bộ Xây dựng, sau đó lại chuyển về Đại học Quốc gia Hà Nội nên quá trình triển khai dự án bị ngắt quãng trong thời gian dài, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án…
Đáng nói, từ năm 2017 đến tháng 7-2020, chủ đầu tư không bố trí được vốn để thực hiện dự án nên đã xảy ra tình trạng không có nguồn để thực hiện giải phóng mặt bằng, dẫn đến tồn đọng nhiều hồ sơ đã kiểm kê, kiểm đếm không thể chi trả. Mặt khác, một số diện tích giải phóng mặt bằng bị chồng lấn với dự án khác nên chưa thể triển khai.
Thông tin thêm, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất Cấn Xuân Trường cho hay, vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng dự án hiện nay là việc xác minh nguồn gốc đất của các hộ (chủ yếu là công nhân Nông trường 1A cũ) thuộc diện giải phóng mặt bằng gặp khó khăn; cơ chế, chính sách giải phóng mặt bằng, tái định cư thay đổi giữa giai đoạn tỉnh Hà Tây (cũ) và thành phố Hà Nội… nên đến nay vẫn còn một số hộ dân không đủ điều kiện giao đất tái định cư vẫn sinh sống, canh tác trên đất đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ từ giai đoạn tỉnh Hà Tây (cũ) không bàn giao mặt bằng...
Tập trung giải quyết những tồn tại
Thực tế cho thấy, phần diện tích còn lại chưa giải phóng mặt bằng được là phần vướng mắc mà trước đây để lại chưa thực hiện. Do đó, để từng bước tháo gỡ, thời gian qua, đặc biệt là năm 2023, UBND huyện Thạch Thất tiếp tục có báo cáo về khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc và các dự án thành phần gửi UBND thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xin hướng dẫn.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của UBND huyện Thạch Thất, từ năm 2021 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có nhiều văn bản trả lời. Mới đây nhất, tại Văn bản số 6255/STNMT-QHKHSDĐ ngày 16-8-2023 về giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị, đối với các trường hợp chỉ có quyết định giao đất, biên bản giao đất không có tên trong danh sách giao đất do Nông trường 1A lập tháng 6-2001, UBND huyện Thạch Thất rà soát các chính sách đặc thù đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho dự án để thực hiện bồi thường hỗ trợ và tái định cư theo quy định.
Về phía huyện Thạch Thất, ông Cấn Xuân Trường cho biết, để tháo gỡ những nút thắt trong giải phóng mặt bằng các dự án thành phần thuộc dự án Đại học Quốc gia Hà Nội, trung tâm đã tham mưu cho UBND huyện đề nghị các đơn vị liên quan tập trung gỡ vướng.
Cụ thể, đối với các khu vực bị chồng lấn, đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc phối hợp với cơ quan chức năng sớm rà soát quy hoạch, giải quyết dứt điểm chồng lấn, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh (nếu cần), sau đó mới thực hiện giải phóng mặt bằng. Đồng thời, trung tâm tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã Thạch Hòa, Tiến Xuân tiếp tục vận động, thuyết phục nhân dân có đất thu hồi chấp hành, tuân thủ các quy định của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong công tác giải phóng mặt bằng.
“Trong năm 2024, trung tâm sẽ tập trung giải phóng mặt bằng ở các khu vực không bị chồng lấn và phối hợp với các cơ quan chuyên môn tháo gỡ các vướng mắc, kiến nghị của người dân có đất bị thu hồi”, ông Cấn Xuân Trường nhấn mạnh.
Những tồn tại, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc và các dự án thành phần đã được chỉ ra. Hy vọng, với sự vào cuộc của UBND huyện Thạch Thất và các cơ quan hữu quan, công tác giải phóng mặt bằng dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc sớm về đích.