Sức khỏe

Đừng để “mất Tết” vì những tai nạn đáng tiếc

Thu Trang 26/01/2024 - 07:21

Dù đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhưng cứ đến dịp Tết Nguyên đán, số trẻ nhập viện vì tai nạn thương tích lại gia tăng.

Nhiều trường hợp tổn thương nhẹ, sau điều trị có thể phục hồi; tuy nhiên, có trường hợp nặng, gây nguy hiểm tới tính mạng hoặc để lại những di chứng nặng nề. Vì thế, dịp Tết, mọi gia đình cần nâng cao cảnh giác, đừng để “mất Tết” vì những tai nạn đáng tiếc ở trẻ em.

cham-soc-benh-nhan-bi-tai-n.jpg
Chăm sóc bệnh nhân bị tai nạn thương tích tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Lộc Xuân

Đủ kiểu tai họa rình rập

Tại Bệnh viện Nhi trung ương thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhi bị tai nạn thương tích trong sinh hoạt với các mức độ khác nhau. Riêng Khoa Cấp cứu và Chống độc của bệnh viện trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 4-5 ca tai nạn thương tích ở trẻ. Con số này thường tăng cao hơn trong dịp Tết Nguyên đán. Những mối nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ vào dịp Tết là hóc dị vật, bỏng, té ngã, pháo nổ, ngộ độc hóa chất/thuốc/độc chất, điện giật, tai nạn giao thông, đuối nước, chó/mèo cắn…

Những vụ việc điển hình từng xảy như trường hợp bé 3 tuổi ở Hà Nội nhập viện cấp cứu vì đã uống nhầm lọ sơn móng tay của mẹ. Dù được các y bác sĩ tích cực cứu chữa nhưng do ngộ độc hóa chất mức độ nặng nên cháu bé đã tử vong. Hay như trường hợp bé 30 tháng tuổi ở tỉnh Phú Thọ trong lúc chơi đùa trèo lên máy lọc nước đã bị trượt ngã, gây thương tích ở hai ngón tay. May mắn, bé được các y bác sĩ phẫu thuật nối gân kịp thời, tránh bị hoại tử ngón tay.

Vào thời điểm Tết, trẻ còn đối mặt với nguy cơ bị điện giật.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) lưu ý, bản tính của trẻ nhỏ là tò mò, hiếu động, trong khi đó, để chuẩn bị đón Tết, các gia đình hay trang trí nhà cửa bằng các loại dây đèn nhấp nháy nhiều màu trên cành đào, cành mai và sơ ý để những ổ cắm điện không có thiết bị bảo vệ đúng tầm với của trẻ. Điều này rất dễ gây nguy hiểm đối với trẻ nhỏ.

Cùng với các tai nạn trong sinh hoạt, thời gian gần đây, tại các bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều ca tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ tự chế hoặc tự chế pháo nổ. Điển hình là trường hợp bé trai 12 tuổi ở tỉnh Quảng Ninh, trong lúc đang chế pháo thì bất ngờ pháo phát nổ. Ngay sau đó, bé được đưa đến Bệnh viện trung ương Quân đội 108 trong tình trạng bị thương tích nghiêm trọng, dập nát bàn tay.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Viết Ngọc, Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, Viện Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cho biết, vào dịp giáp Tết Nguyên đán hằng năm, khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị tai nạn do pháo nổ, đa số ở độ tuổi từ 10 đến 16. Tổn thương do pháo nổ thường phức tạp, ở nhiều vị trí như bàn tay, mặt, toàn thân… khiến việc điều trị khó khăn, tốn nhiều thời gian và thường để lại di chứng nặng nề.

Không thể chủ quan, lơ là

Tết Nguyên đán sắp tới, trong mỗi gia đình thường sử dụng các loại hạt để mởi khách hoặc ăn vui, như: Hạt hướng dương, đậu tương, hạt bí, hạt dưa… Đây cũng là thời điểm trẻ dễ bị "hóc dị vật" do ăn phải những loại hạt này. Các bác sĩ cảnh báo, "hóc dị vật" là một tình huống cấp cứu thường gặp ở trẻ em, có thể đe dọa đến tính mạng. Do đó, dù ngày Tết bận rộn, cha mẹ cần để mắt đến trẻ, không cho trẻ nhỏ tự ý ăn các loại hạt nêu trên. Ngoài ra, cha mẹ cần có kiến thức để biết cách xử trí nếu trẻ bị "hóc dị vật".

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, khi "hóc dị vật" đường thở sẽ dẫn đến ngưng tim, ngưng thở. Trong vòng 3-4 phút, trẻ sẽ bị chết não và quá 10 phút thì không thể cứu chữa. Do đó, khi phát hiện trẻ hóc dị vật, ngay lập tức phải cho trẻ nằm sấp dọc trên một tay của người lớn (nếu trẻ nặng thì đặt lên chân), giữ cổ thẳng, để đầu chúc xuống, vỗ giữa lưng (chỗ giữa 2 xương bả vai) khoảng 5 cái để tạo áp lực lồng ngực, kích thích ho nhằm đẩy dị vật ra ngoài. Còn khi trẻ ngưng thở, cần hô hấp nhân tạo liên tục kể cả trên đường đến bệnh viện. Tuyệt đối không dùng tay móc dị vật trong miệng vì có thể đẩy dị vật vào sâu hơn, thậm chí khiến trẻ ngừng thở ngay lập tức.

Để phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ, theo bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng, Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi trung ương, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần quan sát, đánh giá bao quát môi trường sống của trẻ để bảo đảm an toàn, chú ý đến tình huống, yếu tố có thể gây rủi ro như: Dao, đồ thủy tinh, phích nước, nồi canh đang sôi, ổ cắm điện… Ngoài ra, khi đưa trẻ ra ngoài môi trường sống quen thuộc của gia đình như về quê, đi du lịch…, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần luôn đặt trẻ trong sự bao quát, quan sát mọi nơi, mọi lúc.

Riêng đối với sự nguy hiểm của tai nạn do pháo nổ, các bác sĩ lưu ý, các gia đình, nhà trường cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền, vận động người thân, con em chấp hành nghiêm quy định về quản lý pháo. Tuyệt đối không tự ý chế tạo, sử dụng pháo nổ (thuốc pháo) để ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc xảy ra.