Dạy "chế" pháo online - Hệ lụy nguy hiểm!
Càng gần Tết, số ca cấp cứu do pháo nổ, số vụ buôn lậu pháo nổ càng tăng lên.
Trong khi đó, trên môi trường mạng, thị trường mua bán nguyên liệu làm pháo nổ ngày càng sôi động; cùng với đó là các video, bài viết hướng dẫn chi tiết cách chế tạo pháo nổ. Đã có nhiều thanh thiếu niên đua nhau tìm tòi, hỏi xin giá, cách thức mua nguyên liệu làm pháo... tiềm ẩn những hậu quả khôn lường.
Trào lưu nở rộ
Đến giờ, chị Trương Thị Thu (chung cư Royal City, quận Thanh Xuân) vẫn chưa hết sốc khi phát hiện con trai lớp 6 cùng bạn tham gia vào nhóm dạy nhau làm pháo tự chế trên Facebook, Tiktok. Nhóm học sinh này đã đặt mua lưu huỳnh, natri xay mịn, nhũ nhôm đen, nhũ nhôm bạc… theo hướng dẫn trên các video, sau đó chế tạo pháo và bán kiếm lời.
“Khi thâm nhập vào các nhóm, tôi thực sự choáng váng vì không nghĩ lớp trẻ lại công khai làm điều mà pháp luật nghiêm cấm. Nếu tôi không phát hiện kịp thì không biết hậu quả sẽ thế nào", chị Thu nói.
Từ chia sẻ trên, phóng viên Báo Hànộimới đã tìm kiếm thông tin trên Youtube và các mạng xã hội khác thì nhận thấy hoạt động nguy hiểm này đã trở thành một trào lưu. Các video: Cách làm pháo từ diêm chơi Tết nổ to; đốt pháo khủng chơi Tết nổ như bom; cách làm pháo, dây pháo, tràng pháo… có lượt người xem khá lớn. Mỗi video hướng dẫn cụ thể cách làm pháo, diễn tả bằng hình ảnh, âm thanh pháo nổ.
Tài khoản Nghịch ngợm tải một video hướng dẫn cách có pháo hoa chơi Tết chỉ với vài trăm nghìn đồng từ 1 năm trước nhưng đến nay vẫn "nóng", thu hút hơn 86.000 lượt người truy cập. Còn tài khoản Pyro Vn hướng dẫn cách làm pháo hoa phụt, kèm theo ở phần bình luận là địa chỉ bán hàng trên mạng. Có hàng trăm tài khoản hỏi cách làm thế nào để pháo hoa bắn cao hơn…
Đặc biệt, các tài khoản thay đổi tên gọi liên tục hoặc "phủ sóng" ở nhiều nền tảng khác nhau nhằm tránh sự truy tìm của lực lượng chức năng. Cùng một tài khoản nhưng lúc thì đăng qua kênh Tiktok, khi thì trên Facebook, Zalo… Số lượng người tham gia những hội nhóm về chế tạo pháo cũng rất lớn.
Nhóm “Đam mê chế pháo” trên Facebook có tới 50.000 thành viên, hàng chục bài chia sẻ, hàng trăm bình luận mỗi ngày về kinh nghiệm chế tạo pháo đạt hiệu quả cao. Trong nhóm này, tài khoản Nguyễn Văn Tiến đăng video chế tạo kèm công thức chế pháo, tỷ lệ pha thuốc đen, trắng, nhũ, lưu huỳnh, natri, than...
Hệ lụy nguy hiểm
Thời gian gần đây, có ca nhiều ca cấp cứu đau lòng mà nguyên nhân xuất phát từ pháo tự chế. Điển hình ngày 14-1, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức tiếp nhận và điều trị 4 trường hợp tai nạn do sử dụng pháo tự chế. Hầu hết nạn nhân đều là học sinh. Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân là học sinh bị thương do pháo tự chế gây nổ.
Cho dù có nhiều vụ việc đáng tiếc liên quan đến sử dụng và chế tạo pháo xảy ra nhưng nhiều bạn trẻ chưa nhận thức được đầy đủ mức độ nguy hiểm của hành động này nên vẫn hăng hái làm theo hướng dẫn.
Bên cạnh đó, việc buôn bán pháo nổ và các nguyên liệu chế tạo pháo diễn biến phức tạp. Nhiều vụ việc đã bị lực lượng quản lý thị trường thu giữ, xử phạt nặng, song vẫn chưa thể ngăn chặn mầm họa đang lan rộng.
Trưởng phòng Nghiệp vụ Tổng hợp (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) Hoàng Trọng Bình thông tin, từ đầu tháng 1-2024 đến nay, đơn vị đã kiểm tra, xử lý 2 vụ việc liên quan đến mặt hàng pháo nổ, phạt hành chính 8 triệu đồng. Trong đó, ngày 14-1, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện 18.360 sản phẩm hình trụ tròn, nghi là pháo tập kết tại số 2 phố Phùng Hưng (quận Hà Đông). Chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Theo Chỉ thị số 406-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1-1-1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa). Do đó, việc đăng tải công khai thông tin hướng dẫn chế tạo, kinh doanh, buôn bán pháo nổ trên mạng xã hội là trái pháp luật.
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Xuân Toán (Công ty Luật Tản Viên Sơn - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 quy định phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm.
Còn tại Điều 305 Bộ luật Hình sự 2017, hành vi tự chế pháo nổ có thể phạt 1-5 năm tù, nặng thì tù chung thân. Tuy nhiên, theo luật sư Toán, trong nhiều vụ việc, các đối tượng vi phạm là các em học sinh (dưới 14 tuổi), chưa đủ độ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự, vì vậy nhiều em có tâm lý không e ngại. Vì vậy, cần có các biện pháp giáo dục, quản lý phù hợp với độ tuổi, mức độ nhận thức của các em.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong việc loại bỏ các video liên quan đến hướng dẫn chế tạo pháo nổ tràn lan trên mạng xã hội nhằm ngăn chặn những hệ lụy khôn lường từ trào lưu nguy hiểm này.