Hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là trách nhiệm chính trị
Kết luận cuộc làm việc để đưa ra định hướng tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chiều 25-1, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định giao Ủy ban Pháp luật làm đầu mối, đồng thời đề nghị, coi đây là nhiệm vụ chính trị, là niềm tự hào không chỉ vì Hà Nội mà còn phục vụ sự phát triển đất nước.
Chiều 25-1, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội có cuộc làm việc với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp và thành phố Hà Nội về tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đồng chủ trì cuộc làm việc.
Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; đại diện một số cơ quan của Quốc hội, Bộ Tư pháp; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo Đảng đoàn HĐND, Ban Cán sự đảng UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội...
Tại kỳ họp thứ sáu vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho lãnh đạo UBND thành phố, các sở, ban, ngành thực hiện việc rà soát, tiếp thu, giải trình, đề xuất việc chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và hoàn thiện các hồ sơ theo quy định trên cơ sở các ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Trong thời gian từ ngày 18-12-2023 đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức 20 cuộc hội thảo, cuộc họp tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với sự tham gia của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp và một số bộ, ngành Trung ương, các sở, ban, ngành thành phố.
Báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và các hồ sơ kèm theo đã được UBND thành phố Hà Nội báo cáo, được Thường trực Thành ủy cho ý kiến thống nhất. Theo đó, nội dung tiếp thu, chỉnh lý được thực hiện ở 5 chương với hàng chục nhóm vấn đề, nội dung, điều khoản...
Báo cáo của thành phố Hà Nội cũng xác định 6 nhóm nội dung mới, khó, phức tạp cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, làm rõ hơn, để bảo đảm quy định của Luật có tính khả thi cao, thuận lợi trong tổ chức thực hiện như quy định về thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới, mô hình khu phát triển thương mại văn hóa, mô hình đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách; quy định về quản lý, khai thác không gian ngầm; quy định về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD)...
Phát biểu trao đổi, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, sự đồng thuận nhất trí cao tại kỳ họp thứ sáu đối với Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là điều kiện rất thuận lợi để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện để thực hiện các bước tiếp theo tiến tới mục tiêu trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ bảy tới. Tuy nhiên, Luật còn nhiều vấn đề mới, khó, phức tạp, nên việc nghiên cứu tiếp thu đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của 3 cơ quan là Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và thành phố Hà Nội trên cơ sở một đầu mối và họp bàn một nơi để bảo đảm sự thống nhất nội dung tiếp thu, chỉnh lý. Tất cả các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu đều phải tiếp thu, nếu không tiếp thu đưa vào chỉnh lý thì cũng phải giải trình rõ ràng, thuyết phục.
Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là đầu mối, thường trực việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); đề nghị Ủy ban coi đây là nhiệm vụ chuyên môn rất quan trọng của nhiệm kỳ, vừa là trách nhiệm chính trị, vừa là niềm vinh dự, tự hào. “Việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) không phải cho riêng Hà Nội mà là phục vụ sự phát triển của quốc gia”, đồng chí Nguyễn Khắc Định nêu rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ một số định hướng mang tính nguyên tắc trong việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trước hết là phải bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị về Hà Nội bảo đảm thống nhất quan điểm, kể cả câu chữ; xác định rõ Luật Thủ đô (sửa đổi) là đạo luật phân quyền, trao quyền mạnh mẽ cho Hà Nội, nhưng đồng thời giao thêm nhiệm vụ, ràng buộc trách nhiệm nặng nề hơn cho Hà Nội; giao quyền phải bảo đảm điều kiện có thể thực hiện được quyền; bảo đảm sự đồng bộ thống nhất của Luật Thủ đô trong hệ thống pháp luật nói chung và nội tại luật này nói riêng.
Song song với việc bám sát 9 nội dung đặc thù đã được thống nhất, quá trình tiếp thu, chỉnh lý nếu phát hiện những nội dung, vấn đề mới có ý nghĩa quan trọng có thể nâng tầm, bảo đảm tính khả thi cho Luật Thủ đô (sửa đổi), thì các cơ quan mạnh dạn biên tập thành điều, khoản, báo cáo trình cơ quan có thẩm quyền xem xét bổ sung vào Luật. Các cơ quan cũng có thể đưa ra các đề xuất chính sách mới kể cả ngoài 9 nội dung đặc thù đã thống nhất, nhưng phải có đánh giá tác động, phân tích, minh chứng thuyết phục.
Đối với các nội dung tiếp thu, chỉnh lý mà khác với Quốc hội đã thảo luận, đi ngược lại nội dung Chính phủ đã trình thì Bộ Tư pháp làm đầu mối báo cáo xin ý kiến Chính phủ. Đối với 14 nội dung còn có ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phải họp bàn trực tiếp để đi đến thống nhất. Đối với những vấn đề mới, Ủy ban Pháp luật vẫn là cơ quan chủ trì tiếp thu, chỉnh lý, nhưng thành phố Hà Nội chủ động xây dựng phương án, đề xuất cụ thể. Đồng chí Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị Thành ủy Hà Nội chủ trì đề xuất báo cáo giải trình xin ý kiến Bộ Chính trị về những nội dung liên quan.
Theo yêu cầu của Phó Chủ tịch Quốc hội, hồ sơ, báo cáo phải sẵn sàng để phục vụ cuộc làm việc của Chủ tịch Quốc hội với Chính phủ, thành phố Hà Nội về việc tiếp thu để thống nhất tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến tổ chức trước ngày 5-3; sau đó sẽ tiếp tục hoàn thiện để báo cáo tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào tháng 4, mới bảo đảm trình Quốc hội vào tháng 5, phấn đấu để Quốc hội thông qua vào tháng 6-2024.
Phó Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật ra văn bản thông báo kết luận cuộc làm việc để làm căn cứ triển khai tổ chức thực hiện; quyết tâm xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) xứng tầm thời đại mới.