Đại cảnh “Nhất đại Thăng Long” là điểm nhấn của đường hoa Nguyễn Huệ
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn năm 2024 với kỷ lục linh vật Rồng dài hơn 100m.
Tại họp báo kinh tế - xã hội và các vấn đề dư luận quan tâm do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 25-1, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh thành phố Hồ Chí Minh Lê Công Phương cho biết, đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn có chủ đề “Xuân yêu thương, Tết sum vầy”,
Bố cục đường hoa chia thành 3 phân đoạn: Khúc thoại đầu “Nguồn cội quê hương”; quãng cao trào “Băng sông vượt biển” và khúc hạ màn “Vươn mình hội nhập”. Ngôn ngữ chủ đạo được thể hiện xuyên suốt đường hoa Tết năm nay là yếu tố truyền thống văn hóa, tín ngưỡng lâu đời của người Việt hòa điệu cùng bản sắc văn hóa vùng đất phương Nam.
Nhằm tăng cường sử dụng chất liệu thân thiện môi trường trong thiết kế và xây dựng đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn, ước tính có hơn 70% tổng số vật liệu sử dụng trong ốp lát tạo hình là vật liệu thân thiện môi trường.
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2024 sử dụng 3 gam màu chủ đạo là đỏ, cam, vàng của 99 chủng loại hoa như cẩm chướng, phong lữ, thược dược, màu gà, thu hải đường... dự kiến hơn 90.000 giỏ hoa các loại sẽ được sử dụng trang trí đường hoa.
Đặc biệt, đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn với kỷ lục linh vật Rồng dài hơn 100m. “Nhất đại Thăng Long” là đại cảnh lớn nhất trên đường hoa, với diện tích bao phủ hơn 1.000m2.
Đường hoa phục vụ du khách từ 19h ngày 7-2 đến 21h ngày 14-2-2024.
Liên quan đến các hoạt động văn hóa trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, ông Bùi Xuân Đức (Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với UBND thành phố tổ chức chương trình Xuân quê hương với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh - Viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng”, diễn ra từ ngày 1-2 đến 2-2-2024.
Bên cạnh đó, các hoạt động thường niên do thành phố dự kiến tổ chức để phục vụ người dân gồm: Triển lãm “Mừng xuân Giáp Thìn - Mừng Đảng quang vinh”; Hội hoa xuân và Chợ hoa Tết; Chợ hoa Tết mang đậm dấu ấn đặc trưng “Trên bến, dưới thuyền”; Ngày hội bánh tét, Lễ dâng cúng bánh tét Quốc tổ Hùng Vương và Đức lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh; Lễ hội Đường sách…
Đáng chú ý, năm nay, thành phố Hồ Chí Minh bắn pháo hoa tại 8 điểm. Cụ thể, 2 trận địa pháo hoa tầm cao được bố trí tại đầu đường hầm vượt sông Sài Gòn (thành phố Thủ Đức) và Khu tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi).
6 điểm bắn pháo hoa tầm thấp được tổ chức tại Đền tưởng niệm di tích Bến Nọc (thành phố Thủ Đức), Công viên Đầm Sen (quận 11), Quảng trường Rừng Sác (huyện Cần Giờ), Khu di tích Láng Le Bàu Cò (huyện Bình Chánh), Công viên Văn hóa (quận Gò Vấp), Khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn).