Kinh tế

Đề xuất xem xét cho nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất vàng miếng

Hà Phong 25/01/2024 13:16

Ngày 25-1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm với chủ đề: "Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững".

Tham dự tọa đàm có khách mời là đại biểu Quốc hội, lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp để hệ thống hóa, phân tích, kiến giải, luận bàn... về các giải pháp quản lý thị trường vàng.

pqt9239-1706153806751906473519.jpg
Các khách mời tham gia tọa đàm.

Các đánh giá cho thấy, thời gian qua, các cơ chế, chính sách về quản lý, phát triển thị trường vàng ở nước ta được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm, không ngừng bổ sung và hoàn thiện. Qua đó, thị trường vàng cơ bản có sự phát triển ổn định, có những đóng góp hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường vàng của Việt Nam cũng còn những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau liên quan đến cơ chế, chính sách, tâm lý người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Đáng lưu ý, theo GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, để tránh độc quyền, đẩy giá vàng tăng cao, có thể xem xét cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi cung được tự do, được cạnh tranh bình đẳng thì người dân tiếp cận vàng tích lũy sẽ dễ hơn, sẽ không còn tình trạng khan hiếm nữa.

"Tâm lý càng khan hiếm càng giá tăng, càng đi mua. Giờ không khan hiếm nữa thì sẽ đỡ hơn", ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hoàng Văn Cường: "Yếu tố nữa là cần có liên thông giữa thị trường trong nước và quốc tế. Và chúng ta cũng phải có các phương thức giao dịch đa dạng hơn. Xu thế giao dịch của thế giới là kinh doanh trên sàn kinh doanh thông qua hợp đồng kinh doanh, thông qua các tín chỉ về vàng. Theo hướng đi này, sẽ mở thêm các hình thức kinh doanh vàng qua tài khoản. Khi đó, sẽ không bị lệ thuộc quá vào việc nhập khẩu nhiều vàng vào hay ít vàng vào mới có vàng, cân đối được ngay cung cầu. Như vậy chúng ta sẽ điều hành rất linh hoạt và đặc biệt, khi chúng ta giao dịch vàng trên tài khoản thì người dân có nhu cầu không nhất thiết phải mang vàng về nhà, không phải mất công cất trữ. Vàng được lưu thông trên thị trường, sẽ tạo ra sinh lợi, tạo nguồn vốn đưa vào lưu thông, mang lại nhiều tác động tốt cho nền kinh tế cũng như bảo đảm lợi ích của mỗi người dân".