Cải cách hành chính

Hà Nội tích hợp 892 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia

Tiến Thành 24/01/2024 - 18:34

Đến nay, Hà Nội đã tích hợp 727 dịch vụ công trực tuyến một phần, 165 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số 1.191 dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện (đạt 74,2%); đang tích hợp, kiểm thử 214 dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Chiều 24-1, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết công tác kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục hành chính năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

ubnd3.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Đánh giá của UBND thành phố Hà Nội cho thấy, năm 2023, thành phố đã chủ động triển khai công tác kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế "một cửa liên thông" kịp thời theo quy định.

Đối với rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Văn phòng UBND thành phố đã chủ trì phối hợp các sở, ngành tập trung rà soát 706 thủ tục tại các lĩnh vực. Trên cơ sở đó đã tham mưu Chủ tịch UBND thành phố 15 quyết định về việc thông qua phương án đơn giản hóa 211/706 thủ tục hành chính (đạt 29,8%). Việc rà soát, việc đơn giản hóa đã giúp cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính tiết kiệm chi phí cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính.

Năm 2023, tổng số hồ sơ tiếp nhận thủ tục hành chính toàn thành phố là trên 4 triệu. Trong đó, số hồ sơ đã giải quyết trước hạn, đúng hạn đạt tỷ lệ 99,74%; số hồ sơ giải quyết quá hạn có tỷ lệ 0,26%.

Triển khai cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục hành chính, UBND thành phố đã ban hành 13 quyết định phê duyệt phương án tái cấu trúc quy trình 445 thủ tục hành chính được lựa chọn xây dựng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, đã tích hợp 727 dịch vụ công trực tuyến một phần, 165 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số 1.191 dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện (đạt 74,2%); đang tích hợp, kiểm thử 214 dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Thành phố đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến với 318 dịch vụ công toàn trình, trên 1.550 dịch vụ công một phần.

ubnd2.jpg
Trao Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố cho các đơn vị, địa phương có thành tích xuất sắc năm 2023.

Từ ngày 2-1-2024, bộ phận “một cửa” toàn thành phố tập trung số hóa hồ sơ thủ tục hành chính đến trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, các các tính năng đáp ứng yêu cầu kết nối Hệ thống quản lý văn bản thành phố, cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử. Tỷ lệ khai thác lại thông tin, dữ liệu số hóa là 213.883 hồ sơ (đạt 15,51%).

Trong việc rà soát, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ thuộc thẩm quyền, phạm vi giải quyết của UBND, Chủ tịch UBND thành phố, đến nay đã ban hành 24 quyết định, công bố 124 thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố. Chủ tịch thành phố đã phê duyệt đơn giản hóa 28/124 thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố (đạt 22,6%).

Đối với thủ tục hành chính nội bộ thuộc thẩm quyền, phạm vi giải quyết của sở, ngành; cấp huyện, cấp xã, toàn thành phố đã ban hành 5.237 quy trình.

Tại hội nghị, sau khi nghe các tham luận, Cục Trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan đánh giá Hà Nội đã hoàn thành giai đoạn “tăng tốc” trong cải cách thủ tục hành chính. Ấn tượng với những kết quả mà Thủ đô đạt được, bên cạnh việc tiếp tục cắt giảm các thủ tục, quy trình, ông Ngô Hải Phan cũng lưu ý làm tốt công tác công khai, minh bạch sẽ quyết định 60% thành công của công tác kiểm soát thủ tục hành chính.

ubnd1.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong công tác kiểm soát, cải cách thủ tục hành chính, đồng thời đặc biệt nhắc nhở những phần việc trọng tâm để bứt phá trong năm 2024 như tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và bảo đảm điều kiện để thực hiện (con người, điều kiện vật chất, kinh phí); các địa phương phải dựa trên đặc thù để có cách làm phù hợp, hiệu quả...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cũng yêu cầu dịch vụ công trực tuyến phải đi vào thực chất. Trong đó, các đơn vị cần tái cấu trúc giai đoạn 2 các thủ tục hành chính để đơn giản, dễ làm nhất, người dân làm được. Bên cạnh đó, phải bảo đảm trang thiết bị đồng bộ; chú trọng tập huấn cán bộ, công chức; áp dụng mô hình “một cửa” hiện đại tùy theo đặc thù địa phương...