Hà Nội kết nối

Hướng đến “thành phố xanh” dựa trên nền “kinh tế xanh”

Nguyễn Lê 24/01/2024 - 16:28

Thành phố Hồ Chí Minh chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

anh-1(1).jpg
Quang cảnh hội nghị.

Đây là khẳng định của Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi tại hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh thành phố Hồ Chí Minh do UBND thành phố phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức chiều 24-1.

Thành phố Hồ Chí Minh được xác định là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Kết quả nghiên cứu gần nhất do Viện Môi trường - Tài nguyên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) công bố cho thấy, trung bình mỗi năm, tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố hơn 60 triệu tấn CO2. Trong đó, có 3 nguồn thải chính là từ hoạt động công nghiệp (khoảng gần 20 triệu tấn CO2), giao thông (khoảng hơn 13 triệu tấn CO2), còn lại là sinh hoạt và các hoạt động khác.

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn với mật độ dân cư cao, dẫn đến lượng phát thải thuộc nhóm cao nhất cả nước với mỗi ngày trung bình khoảng 9.878,90 tấn chất thải rắn sinh hoạt.

Đồng thời, thành phố cũng đang phải đối mặt trước những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn lực và khủng hoảng kinh tế.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, để giải quyết các vấn đề nêu trên cần khơi thông các điểm nghẽn trong thể chế nhằm phát triển hạ tầng giao thông xanh và bền vững, phát triển đô thị xanh gắn với tái bố trí lại dân cư và chỉnh trang đô thị; thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, đời sống, gắn với các công nghệ xanh, thông minh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Hiện thành phố đã xây dựng các chính sách liên quan đến phát triển giao thông xanh, tập trung chuyển đổi phương tiện hóa thạch sang năng lượng xanh; phát triển đô thị xanh thông qua thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD); đổi mới khoa học và công nghệ phục vụ tăng trưởng xanh; huy động các nguồn lực thực hiện.

anh-2(1).jpg
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, thành phố chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai, ưu tiên hàng đầu nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Thành phố cũng đã đặt ra mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 trong kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, thành phố cũng chủ động tham khảo, hợp tác phối hợp trao đổi với các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm để học hỏi, rút kinh nghiệm, hướng tới phát triển xanh, bền vững.

Hội nghị đã diễn ra 3 phiên thảo luận về các chủ đề chuyên sâu như: Khuôn khổ phát triển và tài chính nền tảng thúc đẩy tăng trưởng xanh; định hướng chiến lược cho khung kinh tế xanh thành phố; đề xuất các dự án kêu gọi đầu tư phát triển tăng trưởng xanh và các báo cáo tham luận mang tính gợi mở vấn đề.

Qua hội nghị này, UBND thành phố Hồ Chí Minh sẽ rà soát lại hiện trạng và hoàn thiện các giải pháp đã được các chuyên gia đề xuất để giúp thành phố nhanh chóng bắt kịp và hòa mình vào nhịp điệu phát triển chung của khu vực và thế giới, đưa thành phố trở thành một “thành phố xanh” dựa trên cơ sở một nền “kinh tế xanh”.

Cũng tại hội nghị, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giới thiệu và kêu gọi đầu tư 28 dự án phát triển tăng trưởng xanh với tổng vốn đầu tư lên tới gần 160.000 tỷ đồng.