Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội
Sáng 23-1, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội tổ chức tọa đàm “Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực trạng và giải pháp”.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng cho biết: Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Theo đó, đến năm 2030, Hà Nội đi đầu cả nước hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa; có sức cạnh tranh khu vực và thế giới, sánh vai thủ đô các nước phát triển cao trong khu vực. Đến năm 2045, Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, văn hóa, văn minh, hiện đại; ngang tầm Thủ đô và thành phố hàng đầu trong khu vực. Về phát triển con người Thủ đô, Nghị quyết nhấn mạnh: “Xây dựng con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người Việt Nam”.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã không ngừng đổi mới, tạo bước đột phá, điểm nhấn trọng tâm khơi thông dòng mạch cho nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người. Thành phố đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025". Chương trình xác định rõ, phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trong đó, nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh được coi là một trong những giá trị cốt lõi của phát triển văn hóa Thủ đô thời kỳ mới.
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 42 báo cáo, tham luận của các nhà khoa học thuộc các cơ quan ở Trung ương và thành phố Hà Nội, các đồng chí lãnh đạo, quản lý đại diện cho các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời, hội nghị cũng đặt ra những giải pháp để phát huy vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền, các ngành, các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội cũng như sự tham gia của mọi người dân Thủ đô vào quá trình xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Thủ đô hiện nay.
Kết luận tại hội nghị, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, chăm lo xây dựng, phát triển con người Hà Nội cần đặc biệt quan tâm đến 3 đối tượng: Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở có tâm, có tầm, biết trọng văn hóa và thật sự là những tấm gương văn hóa; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, sáng tạo văn hóa có đức, có tài, đáp ứng yêu được yêu cầu xây dựng, phát huy giá trị tinh hoa, nhân bản, khai sáng của văn hóa Hà Nội; xây dựng thế hệ trẻ thật sự trở thành những chủ nhân của Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại...