Nông dân Hà Nội bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong giá rét
Theo dự báo, từ nay đến Tết Giáp Thìn, các tỉnh miền Bắc, trong đó có Hà Nội có thể xảy ra các đợt rét đậm, rét hại. Để duy trì sản xuất, nhằm tránh thiệt hại về kinh tế, nông dân Hà Nội tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi, cây trồng.
Giữ ấm cho cây trồng, vật nuôi
Theo ông Nguyễn Thế Anh, chủ vườn hoa Hồng Anh (xã Mê Linh, huyện Mê Linh), để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhà vườn cung ứng khoảng 800 chậu hồng với nhiều chủng loại. Từ ngày 22-1 đến nay, để bảo vệ hoa khỏi ảnh hưởng bởi mưa rét, toàn bộ số hoa hồng trồng chậu đều được đưa vào khu có mái che và quây nhà lưới xung quanh.
Nhiều hộ trồng hoa tại địa phương còn sử dụng nilon để bọc xung quanh cây và sử dụng đèn để sưởi ấm. Việc này giúp quá trình sinh trưởng của cây ổn định, ít phụ thuộc điều kiện thời tiết và hoa nở đúng dịp Tết.
Cũng giống các hộ trồng hoa, đối với cây rau vụ đông, nông dân đang tập trung chăm sóc để bảo vệ cây trồng khỏi ảnh hưởng giá rét.
Bà Nguyễn Thị Hà (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh) cho biết, hiện gia đình bà trồng 5 sào rau, các giống chủ yếu là cải chíp, cải ngồng, mồng tơi… Thời gian từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch khoảng 30-50 ngày tùy thời tiết và loại rau. Những ngày này, thời tiết chuyển rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, ban đêm có sương muối, để không ảnh hưởng năng suất, đặc biệt là diện tích rau mới gieo, gia đình dùng biện pháp che phủ nilon, rắc tro bếp để giữ ấm cho gốc rau.
Đối với chăn nuôi, nhất là chăn nuôi ở khu vực miền núi như Ba Vì, nông dân cũng chủ động chăm sóc cho đàn gia súc. Bà Nguyễn Thị Thủy (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì) cho hay, trong những ngày giá rét, thay vì chăn thả bò ngoài ruộng, gia đình đã nuôi nhốt ở chuồng để giữ ấm và phòng một số bệnh mùa đông như: Tụ huyết trùng, lở mồm long móng...
“Gia đình tôi không thả đàn vật nuôi ra ngoài như trước mà nhốt trong chuồng được che kín, cho ăn thức ăn khô đã được dự trữ, lấy bạt che quanh chuồng giữ ấm cho bò, cách làm này giúp đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh”, bà Thủy nói.
Còn đối với những trang trại chăn nuôi khép kín, các hợp tác xã cũng chủ động bảo vệ đàn vật nuôi. Ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) cho hay, hiện chuồng trại của hợp tác xã đã được xây dựng với quy mô tập trung, khép kín. Những ngày nhiệt độ giảm dưới 15 độ C, hợp tác xã luôn vận hành hệ thống điện thắp sáng 24/24 giờ để sưởi ấm cho đàn lợn nái và lợn giống...
Tuyệt đối không chủ quan, lơ là
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong những ngày tới, thời tiết miền Bắc tiếp tục có rét đậm, rét hại và có thể kéo dài đến gần Tết Giáp Thìn nên các địa phương cần tuyên truyền để nông dân không chủ quan, lơ là, cần chủ động phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp.
Đối với các loại cây rau màu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lưu Thị Hằng cho biết, hiện Chi cục yêu cầu cán bộ ở các trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, khuyến cáo nông dân không gieo trồng gối vụ các loại rau màu khi nhiệt độ ngoài trời thấp hơn 15 độ C.
Theo bà Hằng, đối với diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch, người dân cần thu hoạch sớm, đúng lứa, bảo đảm năng suất, tránh thiệt hại; sử dụng nilon, rơm, rạ phủ luống, làm vòm che, nhà lưới, nhà màng để chống rét cho cây trồng; đồng thời chăm sóc, tưới đủ ẩm theo nhu cầu dinh dưỡng từng cây trong những ngày rét đậm; bón phân đầy đủ, cân đối để cây trồng khỏe mạnh, tăng khả năng chống rét.
Đặc biệt, những ngày có sương muối, giá buốt, người dân cần phun nước trên mặt lá làm rụng, tan hạt sương, tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng xuyên qua.
Tương tự, về chăn nuôi, thủy sản, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho rằng, Hà Nội là địa phương có tổng đàn chăn nuôi lớn, nhưng quy mô nhỏ lẻ còn nhiều, do đó, trong những ngày giá rét, người chăn nuôi cần chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm đủ về số lượng và bảo đảm về chất; thức ăn dự trữ cần bảo quản ở những nơi khô ráo để tránh ẩm mốc.
Ngoài ra, cần dự trữ một số vật tư thuốc thú y cần thiết, vitamin, thuốc trợ sức, trợ lực, men tiêu hóa… dùng cho vật nuôi khi thời tiết bất lợi. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại; theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe của vật nuôi để có biện pháp xử lý hiệu quả khi vật nuôi có biểu hiện bất thường do đói, rét hoặc dịch bệnh...
Nhận định về tình hình thời tiết ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi vụ đông năm nay, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, vụ đông 2023-2024, Hà Nội gieo trồng hơn 28.000ha cây rau màu, đến nay tổng đàn lợn 1,48 triệu con, 28.900 con trâu, 129.600 con bò và hơn 41,9 triệu con gia cầm.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp Hà Nội còn nhỏ lẻ, manh mún; ở các xã miền núi, một bộ phận không nhỏ hộ chăn nuôi còn chủ quan, chưa quan tâm thực hiện biện pháp phòng, chống đói, rét, bảo vệ đàn gia súc như: Chuồng trại không che chắn hoặc che chắn không bảo đảm, chưa chủ động dự trữ thức ăn.
Hơn nữa, nhiều diện tích rau màu nông dân mới xuống giống, chưa kịp che phủ nilon, nguy cơ sẽ ảnh hưởng bởi sương muối có thể gây thiệt hại về kinh tế.