Văn hóa

Tìm giải pháp để phát triển các khu thương mại, văn hóa

22/01/2024 - 20:32

Chiều 22-1, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp Viện nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển tổ chức hội thảo về “Cơ chế phát triển thương mại, văn hóa (BID) nhằm xác định điều kiện hình thành, thiết lập cơ chế hoạt động, mô hình quản lý và khuyến nghị các giải pháp nhằm phát triển khu thương mại văn hóa trên địa bàn Hà Nội trong thời gian tới.

pho-hang-bac.jpg
Phố Hàng Bạc, Hà Nội.

Theo các nhà nghiên cứu, ở Hà Nội, những tuyến phố “hàng” chuyên kinh doanh một số sản phẩm hàng hóa hoặc phố ẩm thực Tống Duy Tân - Cấm Chỉ, Tạ Hiện… không chỉ thúc đẩy hoạt động thương mại mà đã là một giá trị văn hóa. Hà Nội cũng có nhu cầu phát triển các hoạt động công nghiệp văn hóa, kinh tế đêm, điều này đòi hỏi cần phải có một khu vực riêng để không ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.

Theo Phó Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam Nguyễn Hưng Quang, Hà Nội có rất nhiều tiềm năng áp dụng mô hình khu BID để thúc đẩy hoạt động thương mại, đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường… như chuyển đổi mô hình vận hành các khu phố đi bộ hiện có (khu vực hồ Hoàn Kiếm và các khu chuyên doanh lân cận, khu phố Trịnh Công Sơn, Công viên Thống Nhất, Đảo Ngọc - Ngũ Xã, Thành cổ Sơn Tây…) và thiết lập những khu BID mới dựa trên những đặc điểm di sản văn hóa và cộng đồng cần bảo vệ hoặc thúc đẩy phát triển (như một số tuyến phố “Hàng”: Hàng Mã - Hàng Đường - Hàng Đồng - Lò Rèn - Hàng Giấy - chợ Đồng Xuân, khu ẩm thực Tống Duy Tân - Cấm Chỉ - Phùng Hưng, Làng cổ Đường Lâm, Làng lụa Vạn Phúc).

Tại hội nghị, các chuyên gia cũng đánh giá, việc phát triển các mô hình BID ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam và Thủ đô Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, các quy định về mô hình chưa được luật hóa đầy đủ, quá trình phát triển vẫn mang tính tự phát, chưa tạo được các mô hình, quy trình chuẩn để áp dụng rộng rãi; chưa có các cơ chế, chính sách đột phá, hấp dẫn để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư.

1(4).jpg
Hội thảo cơ chế phát triển, thương mại, văn hóa.

Đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù, thí điểm có nghiên cứu, triển khai trong các khu thúc đẩy thương mại và văn hóa tại Hà Nội, đại diện Sở Du lịch Hà Nội nêu ý kiến: Cần có chính sách mở rộng thời gian hoạt động, kinh doanh dịch vụ của các cơ sở hoạt động kinh doanh, du lịch trên địa bàn (dự kiến mở 24/24 giờ đối với các cơ sở đạt chuẩn, được cấp phép). Bên cạnh đó, Hà Nội cần có chính sách về quản lý kiến trúc trong khu vực thí điểm, tạo sự độc đáo, thu hút khách du lịch; chính sách về miễn, giảm thuế, phí đối với các cơ sở kinh doanh trong khu vực thí điểm cần được quan tâm.

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới phát triển rất nhiều khu thúc đẩy thương mại, văn hóa, mang lại hiệu quả cao, tạo nên thương hiệu cho quốc gia, vì vậy việc hình thành các khu thương mại, văn hóa (BID) tại Hà Nội là cần thiết. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định, mô hình này đem lại những hiệu quả trong việc thu hút các nguồn lực xã hội, nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, phát triển du lịch, dịch vụ trong khu vực. Những ý kiến đóng góp trong hội thảo là cơ sở để cung cấp thêm thông tin, phục vụ cho việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.