Đời sống

Tết ở khu tập thể bây giờ

Thành Lâm 23/01/2024 6:36

Từ lâu, không khí Tết trong khu tập thể bao giờ cũng nhộn nhịp và có vẻ đầm ấm riêng so với những nơi khác.

Người ta ví môi trường và mối quan hệ xã hội trong khu tập thể là khoảng giữa của nếp sống xóm làng và phố phường; ở đó có sự gắn bó và thân thiết vừa đủ, không móc nối quan hệ dòng tộc như ở thôn xóm nhưng cũng không dửng dưng như ở ngoài phố. Đó có thể coi là một nét văn hóa riêng - văn hóa khu tập thể.

ha-noi-thong-bao-treo-co-te.jpg

Phải nói rằng trong những năm qua, không khí Tết của người dân trong các khu tập thể có sự đổi thay theo sự đổi thay chung của Hà Nội. Có những năm, người Hà Nội đón Tết chợt thấy cảm xúc xưa cũ bừng lên khi đường phố Thủ đô thoáng đãng, không còn cảnh tắc đường hay dòng người xe dịch chuyển chậm chạp. Nhiều người thốt lên, Hà Nội lúc này mới chính là Hà Nội xưa. Người ta lý giải là Hà Nội tuy đông dân nhưng đa phần là người ở nơi khác chuyển tới, ngày Tết họ lại kéo nhau về quê hết, chỉ còn lại người Hà Nội sống định cư từ xưa, cảnh vật vắng vẻ là vì thế.

Trong khu tập thể Kim Liên của tôi cũng vậy, từ 27 tháng Chạp đã thưa người, càng sát Tết lại càng đìu hiu. Nhiều nhà khóa cửa về quê, người còn lại mãi gần trưa mới ra đường. Đặc biệt, sự náo nhiệt thường ngày tại khu tập thể nhờ sự có mặt của lũ trẻ thì giờ đây cũng ít ồn ào vì đám trẻ ở lại thiếu bạn chơi. Ngày đầu năm mới thường là khung cảnh tĩnh lặng.

Nhưng đó là mấy năm về trước. Người Hà Nội, hiểu theo nghĩa cư dân bây giờ, đông hơn, ở trong khu tập thể cũng vậy. Quan niệm bây giờ thoáng hơn ngày xưa rất nhiều. Người ta chỉ có một Tổ quốc, nhưng quê hương thì theo thời gian có thể thay đổi, nhất là hiểu theo nghĩa rộng. Bởi nói cho cùng, khi bạn đã chọn Hà Nội làm nơi sinh sống và lập nghiệp, rồi có thêm gia đình, con cái... thì Hà Nội chính là quê hương thứ hai. Qua thời gian sẽ đến lúc bạn cũng “thành người Hà Nội” - Hà Nội thành quê hương của bạn cùng con cháu.

Cái “ngàn năm văn hiến” của Hà Nội không phải bỗng dưng mà có, nó là sự vun đắp và chọn lọc cái tốt bao đời nay từ bao miền đất của những con người khắp nơi về lập nghiệp ở Hà Nội. Bây giờ có nhiều người tới Thủ đô lập nghiệp và sinh sống đã lên ông lên bà, con cháu của họ cũng sinh sống ở Hà Nội. Quê gốc càng ngày càng xa, càng ít người thân, dịp Tết chỉ về sớm một ngày thắp hương là đủ. Bởi vậy mà ngày xuân, số người ăn Tết ở Hà Nội đông dần lên. Trong khu tập thể, mấy ngày Tết cũng không còn quá vắng vẻ như trước.

Khu tập thể là cụm dân cư, nên vào dịp Tết nhiều loại chợ cóc mọc lên để bán đủ thứ hàng hóa phục vụ Tết. Ngoài những thứ thực phẩm hay hàng Tết có tính truyền thống, bây giờ từ lá dong, lạt buộc, hoa đào, hoa mai, quất hay đủ các loại hoa khác có thể mua ở gần nhà, chỉ ít phút rảo bộ là tới nơi.

Chợ bao giờ cũng là nơi ồn ào nhất, nên những cái chợ cóc ấy làm cho không khí Tết ở khu tập thể đến sớm và rộn rã hơn. Tùy điều kiện riêng mà mỗi nhà sắm đào sắm quất hay chỉ là những lọ hoa đủ loại. Nhà trong khu tập thể thường chật hẹp nên hầu như chẳng ai sắm chậu cây to, thường chỉ là đào cành hay chậu quất, chậu mai nhỏ.

Trong khu tập thể, người ta biết mặt nhau rất nhiều, trẻ con lại thường học chung trường, chung lớp nên những ngày nghỉ trước Tết gặp nhau chơi dưới sân khu nhà nhiều hơn. Cảnh qua lại chào hỏi nhau về tình hình sắm Tết và nghỉ ngơi của cư dân tập thể trở thành chuyện thường ngày.

Tết bây giờ nhiều người ngại gói bánh chưng, thường đặt mua vì số lượng cần dùng cũng ít. Nhưng cũng có vài nhà đông con cháu lại thích đỏ lửa dưới sân, gốc cây đầu nhà hay dưới hàng hiên, đun bánh chưng cho mình và con cháu. Khu tập thể nhiều khi đóng vai trò thôn xóm. Nhìn ánh sáng từ những bếp lửa luộc bánh chưng ở đâu đó dưới sân, thấy không khí trời đêm cuối đông như được sưởi ấm thêm.

Người dân trong khu tập thể có quan hệ gần gũi hơn, dịp gần Tết năm nào Hội Chữ thập đỏ của phường cũng vận động quyên góp chút tiền để hỗ trợ cho một số gia đình còn khó khăn, để “ai cũng có Tết”. Đặc biệt là chuyện làm vệ sinh, các dãy nhà tập thể thường hẹn nhau đem chổi xuống sân quét dọn vào chiều 30 Tết cho sạch sẽ, không trông chờ hay ỉ lại vào công nhân vệ sinh môi trường. Đây là nếp văn hóa đẹp được các khu tập thể gìn giữ và duy trì từ nhiều năm nay.

Không nặng về chính quyền đoàn thể, ngày đầu năm, ngoài chuyện tập trung chăm chút cho gia đình, những người trẻ trong một dãy nhà thường dành thời gian tới chúc Tết người cao tuổi cho hợp đạo. Các cựu chiến binh gần gũi thì hẹn nhau ngày cuối cùng nghỉ Tết có buổi gặp nhau ôn chuyện lính, chuyện về một thời vẻ vang để nhắc nhau giữ phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong cuộc sống thường ngày, chăm sóc, nuôi con, dạy cháu và có trách nhiệm với xã hội.

banh-chung2w-2-.jpg
Người dân trong khu tập thể chung nhau gói bánh chưng.

Mấy ngày Tết, có lẽ chỉ trừ vài giờ buổi sáng mùng Một, sau đó khu tập thể lại tấp nập người, cả cư dân của khu nhà và bạn bè từ nơi khác đến chúc Tết. Nếu không gặp ngày mưa phùn mà có chút nắng ấm, nhìn cảnh người qua lại, nhất là đám trẻ trong những bộ quần áo mới, cười nói hân hoan, hẳn ai cũng thấy cuộc sống và nếp sống ở khu tập thể thật đáng quý và tự hào.

Mấy năm trước, thường sau ngày mùng 3 Tết, các nhà sẽ tập trung mang vàng mã xuống sân hóa, khói bay nghi ngút gần bằng đốt rơm ở quê ngày mùa khiến lực lượng công an, chính quyền cũng như các nhà xung quanh lo lắng nguy cơ hỏa hoạn. Bây giờ, do tuyên tuyền nhiều mà các gia đình đốt ít vàng mã hơn. Nhiều nhà bỏ hẳn vì hiểu rằng tất cả chuyện này chỉ là phù phiếm, tự con người huyễn hoặc nhau mà thôi. Trong nhiều nhà, mọi người cũng học nhau khi thắp hương, trên mỗi bát hương chỉ cần một nén là đủ, vừa an toàn, vừa có lợi cho hô hấp, nhất là với trẻ nhỏ. Đặc biệt, đôi ba năm gần đây chuyện dâng sao giải hạn cũng thưa vắng dần. Người dân tới chùa ngày xuân bây giờ cũng chỉ là vãn cảnh, tìm sự thư thái trong tâm hồn.

Thế rồi mấy ngày Tết vừa vui, vừa có chút bận rộn qua đi, khu tập thể lại đón những gia đình về quê ăn Tết trở lại. Hàng xóm lại đông đúc như ngày thường để chuẩn bị cho những ngày làm việc mới, trẻ con lại tiếp tục cắp sách tới trường.