Từ vần thơ xuân của Bác, nghĩ về văn hóa đón Tết lành mạnh
Tết âm lịch Bính Tuất 1946 là cái Tết đầu tiên của nước Việt Nam độc lập sau hơn 80 năm dưới ách áp bức đô hộ dã man của thực dân Pháp và phát xít Nhật.
Trên Báo Tiếng gọi phụ nữ (cơ quan tuyên truyền cổ động của Phụ nữ Cứu quốc) số Tết Bính Tuất ra ngày 22-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi phụ nữ Việt Nam và đồng bào cả nước để cổ vũ cho đời sống mới:
“Phụ nữ đồng bào
Phải gắng làm sao
Gây “Đời sống mới”
Việc thành là bởi
Chúng ta siêng mần
Vậy nên chữ cần
Ta thực hành trước
Lại phải kiệm ước
Bỏ thói xa hoa
Tiền của dư ra
Đem làm việc nghĩa
Thấy của bất nghĩa
Ta chớ tham tàn
Thế tức là liêm
Đã liêm thì khiết
Giữ mình làm việc
Quảng đại công bình
Vì nước quên mình
Thế tức là chính
Cần, kiệm, liêm, chính
Giữ được vẹn mười
Tức là những người
Sống “Đời sống mới”
Gần đến Tết Nguyên đán 1946, các báo tư nhân ở Hà Nội đều tập trung lo cho số Tết. Đây là số báo quan trọng nhất trong năm. Làm sao đưa đến cho độc giả không khí mừng Xuân, mừng Độc lập một cách phong phú và hấp dẫn nhất đây?
Báo Quốc gia (trụ sở ở số 67, phố Cửa Nam, Hà Nội) do ông Lê Quang Thiều làm chủ bút cũng có suy nghĩ như vậy. Để hấp dẫn bạn đọc, ông Thiều và tòa soạn cho rằng Báo Quốc gia số Tết âm lịch phải có bài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc. Ông Thiều và phóng viên Lê Chương đã đến Bắc Bộ Phủ xin Bác viết cho một bài để đăng ở trang nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các nhà báo rất thân mật và vui vẻ nhận lời. Được tin, cả tòa soạn vui mừng, đợi chờ. Tờ báo đã lên khuôn, chỉ còn trang nhất chờ bài của Bác. Khi cả tòa soạn đang ngóng chờ thì có cán bộ Vệ quốc đoàn đến trao cho chủ bút phong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên trong có một bài thơ được viết ở mặt sau của tờ lịch cũ:
TẶNG BÁO “QUỐC GIA”
Tết này mới thật Tết dân ta
Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia
Độc lập đầy vơi ba cốc rượu
Tự do vàng đỏ một rừng hoa
Muôn nhà đón mừng xuân Dân chủ
Cả nước hoan nghênh phúc Cộng hòa
Ta chúc nhau rồi, ta nhớ chúc
Những người chiến sĩ ở phương xa
Hồ Chí Minh
Bài thơ xuân của Bác thật đặc biệt. Đặc biệt vì trước đây, khi chưa có độc lập báo xuân toàn viết về cái đẹp của đất trời, cái đẹp của xuân, đọc chỉ để giải trí mà thôi. Còn nay Bác làm thơ xuân là để khẳng định nền độc lập, tự do của đất nước ta, dân tộc ta. Bác cũng lấy thơ xuân để đoàn kết lòng dân, cổ vũ dân chúng tham gia bảo vệ nền độc lập, tự do.
Báo Quốc gia số Tết Nguyên đán 1946 được độc giả đón nhận nhiệt liệt. Tờ báo in đi in lại nhiều lần mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của bạn đọc. Điều đặc biệt là chủ bút Lê Quang Thiều đã tặng tất cả số tiền bán số báo đó vào công quỹ để phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc.
Tết cổ truyền là ngày lễ hội lớn của người Việt, là khoảng thời gian người nông dân được nghỉ ngơi vui chơi trước khi bắt đầu một chu kỳ canh tác, gieo trồng mới. Bên cạnh đó, bữa cơm ngày thường của người Việt xưa, đặc biệt là người nông dân, luôn thiếu thốn. Cho nên, ăn Tết với đầy đủ vật chất, nhiều món ngon là ước mơ về sự đủ đầy trong cả năm.
Những người làm việc cực nhọc, quanh năm suốt tháng xa quê hương, xa gia đình... đều muốn có được một khoảng thời gian đủ dài để đoàn tụ người thân. Vậy khoảng thời gian phù hợp nhất là khi nào? Đó chính là Tết cổ truyền. Do đó, Tết cổ truyền cũng là Tết của sự đoàn viên. Tuy nhiên, đọc bài thơ “Ghét Tết” của Tú Mỡ, dễ nhận ra nhà thơ ghét Tết là do Tết “phiền”. Phiền là do Tết phải “tiêu pha thực tốn tiền”, “chè chén cứ liên miên” và phải tốn tiền mua pháo về đốt...
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Nhà nước ta luôn kêu gọi người dân đón Tết Nguyên đán theo hướng tiết kiệm. Ngày 18-1-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài “Mừng Tết Nguyên đán như thế nào?”, trong đó Bác nêu những việc đáng chê, đáng khen trong việc ăn Tết, nhắc nhở cán bộ phải làm gương, hướng dẫn nhân dân ăn Tết vui vẻ, tiết kiệm. Bác nhận định: “Suốt năm chúng ta thi đua lao động sản xuất, những ngày Nguyên đán, chúng ta vui chơi một ngày để chào xuân. Việc đó cũng đúng thôi. Nên chúng ta mừng xuân một cách vui vẻ lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không xuân”. Bác kêu gọi: “Mừng xuân, xuân cả thế gian/ Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới xuân”.
Đầu năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về tham gia chống hạn ở xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Khi ấy còn 1 tháng 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán. Tại buổi nói chuyện với nhân dân trong xã, Bác góp ý: “Năm ngoái bà con ăn Tết mổ lợn, mổ bò... rồi thiếu trâu bò cày. Đấy là chưa kể rước sách linh đình, đồng bóng bói toán thật là lãng phí, ảnh hưởng không tốt đến thuần phong mỹ tục. Năm nay, nhất định sửa. Tết năm nay phải là Tết vui vẻ, lành mạnh, tiết kiệm”.
Ngày mùng 1 Tết Ất Tỵ 1965, sau khi thăm các cơ quan đoàn thể ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm công trường Việt Trì và phát biểu trước cán bộ, công nhân, chuyên gia các nước bạn đang giúp ta với những lời đầy tình cảm: “Cán bộ phải chú ý chăm lo sinh hoạt của anh em trong ngày Tết. Đối với các đồng chí công nhân, cán bộ, bạn bè giúp ta mà phải xây nhà trong dịp Tết Nguyên đán này, ta càng chú ý săn sóc. Các anh em người Âu, Phi lâu nay đã quen với phong vị Tết Việt Nam nên làm sao cái Tết của xây dựng phải vui vẻ hơn Tết kháng chiến, song phải tránh những lãng phí không cần thiết”.
Ở nước ta trước đây, mỗi dịp Tết Nguyên đán là khắp nơi đốt pháo nổ để vui Tết. Đây là một nét “lai căng” văn hóa Trung Quốc. Bởi việc đốt pháo nổ để xua “con niên” không phù hợp với Việt Nam vì nước ta không hiện tồn một truyền thuyết nào về “con niên” này. Năm 1994, Chỉ thị 406 của Chính phủ đã cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước kể từ ngày 1-1-1995. Chỉ thị nêu rõ: “Do sản xuất và đốt pháo đã gây ra hàng ngàn vụ tai nạn, cháy nhà, chết người hoặc gây thương tật suốt đời, ảnh hưởng đến trật tự an ninh, tổn thất kinh tế, ô nhiễm môi trường rất lớn không thống kê được...”. Không chỉ có vậy, đốt pháo còn gây lãng phí tiền của của xã hội. Vì vậy, Chính phủ nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước kể từ ngày 1-1-1995. Do đó, Tết Nguyên đán năm 1995 là cái Tết đầu tiên ở nước ta vắng bặt tiếng pháo nổ.
Tết cổ truyền là bản sắc văn hóa Việt. Gần đây, có quan điểm cho rằng phải bỏ Tết cổ truyền, chỉ ăn “tết Tây”, điều đó khiến dư luận phản ứng bởi Tết cổ truyền của người Việt đã có từ hàng ngàn năm. Nấu bánh chưng, bánh giầy, ăn trầu cau... là những nét độc đáo vào ngày Tết của người Việt cổ còn lưu lại đến tận bây giờ... Vấn đề ở đây là đón Tết ra sao để vừa vui vẻ, vừa tiết kiệm và vừa an toàn? Chủ trương kêu gọi người dân đón Tết Nguyên đán theo hướng tiết kiệm và cấm đốt các loại pháo nổ là rất thấu tình, đạt lý. Bên cạnh đó, quy định xử phạt người uống rượu bia tham gia giao thông không những là yếu tố quan trọng nhằm hạn chế, giảm thiểu tai nạn giao thông, mà còn tích cực góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.