Các cuộc tấn công của Houthis ở biển Đỏ: Phủ bóng đen lên kinh tế Ai Cập
Kênh đào Suez - “nhịp đập” giao thương hàng hải của Ai Cập đang đối mặt với thách thức chưa từng có. Các cuộc tấn công của lực lượng Houthis không chỉ đe dọa đến an ninh của khu vực biển Đỏ mà còn làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế ở quốc gia Bắc Phi này.
Ban đầu, phiến quân Houthis cho biết chỉ nhắm mục tiêu vào tàu có liên hệ với Israel để đáp trả cuộc chiến ở Gaza. Nhưng giờ đây, lực lượng này nói rằng Mỹ, Anh và đồng minh đang chơi “trò chơi không công bằng”. Đặc biệt khi Mỹ và đồng minh gia tăng không kích các mục tiêu Houthis ở Yemen, lực lượng này đã tuyên bố sẽ tấn công vào mọi con tàu đi trên biển Đỏ và đi qua kênh đào Suez.
Các cuộc tấn công leo thang, nguy cơ về một cuộc chiến tranh lan rộng trong khu vực khiến nhiều hãng tàu phải tránh xa tuyến hàng hải huyết mạch nối liền Á - Âu. Nhiều tập đoàn vận tải biển lớn như A.P. Moller - Maersk A/S của Đan Mạch, Hapag - Lloyd AG của Đức đã buộc phải chuyển hướng hành trình. Một số tàu đi vòng xuống mũi Hảo Vọng ở Nam Phi khiến hải trình dài hơn và tốn kém hơn.
Kênh đào Suez là tuyến đường biển ngắn nhất giữa châu Á và châu Âu, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nguồn thu ngân sách của Ai Cập. Theo Cơ quan Quản lý kênh đào Suez (SCA), doanh thu từ kênh đào - nơi có tới 20.000 tàu qua lại mỗi năm, đạt kỷ lục trong giai đoạn 2021-2023, với 10,25 tỷ USD trong năm 2023, tăng hơn 16% so với con số 8,8 tỷ USD của năm 2022. Do vậy, các cuộc tấn công trên biển Đỏ của lực lượng Houthis đã giáng một đòn mới vào nền kinh tế vốn đang suy thoái của Ai Cập. Chủ tịch SCA cho biết, doanh thu từ kênh đào đã giảm 40% trong 11 ngày đầu tháng 1-2024.
Cairo đang phải đối mặt với tình trạng cán cân thanh toán mất cân bằng khiến lạm phát lên tới 34,5% vào tháng 11-2023; đồng bảng Ai Cập mất một nửa giá trị so với đồng USD trong khoảng thời gian từ tháng 3-2022 đến tháng 10-2023 và dự trữ ngoại tệ giảm từ mức tương đối cao 45 tỷ USD năm 2019 xuống còn 35 tỷ USD vào tháng 10-2023. Kênh đào Suez là một trong 3 nguồn thu ngoại tệ chính của Ai Cập. Hai lĩnh vực còn lại là du lịch (mang lại khoảng 10 tỷ USD mỗi năm) và xuất khẩu khí đốt (khoảng 8 tỷ USD). Cả 3 nguồn thu này đều bị gián đoạn do xung đột ở Gaza. Thu nhập của Ai Cập từ việc tái xuất khẩu khí đốt tự nhiên từ Israel đã sụt giảm trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 11-2023 do việc đóng cửa mỏ khí đốt ở miền Nam Israel. Tương tự, du lịch Ai Cập cũng phải đối mặt với những khó khăn do cuộc chiến của Israel - Hamas.
Các nhà phân tích cho biết, Ai Cập phụ thuộc rất lớn vào nguồn thu từ kênh đào Suez để chi tiêu cho quân sự và phúc lợi xã hội. Tháng 12-2022, Ai Cập đã nhận được gói cứu trợ 3 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), với kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế trong 46 tháng nhằm vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine. Tuy vậy, chiếc phao cứu sinh của IMF cũng không xóa được nỗi ám ảnh về khủng hoảng kinh tế. Tỷ lệ lạm phát gần chạm 40%, nợ chính phủ tăng lên đến gần 93% GDP và nợ nước ngoài vượt mốc 50% GDP trong năm 2023. Đây là mức cao kỷ lục trong 20 năm qua. Chi phí sinh hoạt leo thang, theo Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 30% người dân Ai Cập sống dưới mức nghèo, 30% sống ở mức cận nghèo.
Ai Cập cần ngoại tệ không chỉ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân mà còn trả các khoản nợ nước ngoài lên tới 189,7 tỷ USD. James Swanston của Capital Economics cho biết: “Kết hợp tất cả những điều đó lại với nhau, có cảm giác như cuộc khủng hoảng ở Ai Cập đang đến gần một ngã ba đường”. Trong khi tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International nhận định, trong kịch bản tăng trưởng chậm lại, giả định niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp giảm sút cũng như điều kiện thị trường tài chính xấu đi, tăng trưởng GDP của Ai Cập sẽ là 1,9% vào năm 2024, thấp hơn gần hai điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
Quy mô tác động đối với nền kinh tế Ai Cập phụ thuộc vào cuộc khủng hoảng an ninh ở Biển Đỏ kéo dài bao lâu. Nếu sự gián đoạn kéo dài, Cairo sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề như dự trữ ngoại hối suy giảm, tăng trưởng chậm lại và lạm phát gia tăng. Rõ ràng, sự gián đoạn thương mại hàng hải ở Biển Đỏ đang phủ bóng đen lên nền kinh tế Ai Cập, buộc quốc gia Bắc Phi này phải có giải pháp chiến lược để vượt qua “cơn bão” kinh tế.