Vào cuộc ngay từ đầu năm
Năm 2024 mở ra với những cơ hội và thách thức đan xen, nhưng cũng được đặt kỳ vọng rất nhiều. Để vượt qua thách thức, kịp thời nắm bắt cơ hội, yêu cầu đặt ra là phải hành động quyết liệt với tâm thế vào cuộc ngay từ đầu năm. Hà Nội Ngày nay ghi nhận một số ý kiến về vấn đề này.
Ông Nguyễn Xuân Lưu, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội:
Không quyết liệt sẽ khó hoàn thành mục tiêu đề ra
Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được chuẩn bị trong thời gian khá dài. Quốc hội cũng đã cho ý kiến với sự đồng thuật rất cao, dự kiến sẽ được trình thông qua tại Kỳ họp thứ 7 diễn ra tháng 5-2024, thông thường thì sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. UBND thành phố và các sở, ngành chúng tôi nhận định, có khoảng 100 vấn đề mà Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ giao cho Hà Nội thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND thành phố. Do vậy, cần chuẩn bị những nội dung này để khi Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực là có thể trình các cấp có thẩm quyền xem xét thông qua và tổ chức triển khai thực hiện được ngay, nếu chờ đến khi Luật Thủ đô bắt đầu có hiệu lực mới triển khai thì sẽ bị chậm. Do vậy, theo chúng tôi, cần có chỉ đạo từ Ban Thường vụ Thành ủy để chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, tờ trình hành lang pháp lý thuộc thẩm quyền mà Luật Thủ đô sẽ giao cho HĐND, UBND thành phố để các bộ phận chuẩn bị soạn thảo kiến nghị, đề xuất cần thiết. Nội dung này rất quan trọng, nó sẽ giúp đưa ngay Luật Thủ đô vào cuộc sống. Hiện nay, chúng ta đang sẵn đà nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để trình Quốc hội, nên kết hợp tổ chức luôn việc nghiên cứu các nội dung triển khai Luật Thủ đô.
Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng nữa là bảo đảm nguồn thu ngân sách để có điều kiện thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển. Năm 2024, Hà Nội được giao dự toán thu ngân sách hơn 408.000 tỷ đồng, tất nhiên là vẫn thấp so với khả năng năm nay Hà Nội có thể thực hiện được, nhưng so với số giao năm 2023 tăng rất lớn. Trong đó, đáng chú ý là nguồn thu từ đất, Trung ương giao cho Hà Nội thu tới 36.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi năm 2023. Nên nếu không quyết liệt ngay từ đầu năm thì sẽ rất khó hoàn thành được mục tiêu.
Ông Lê Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Hà Nội:
Dự báo xu hướng phục hồi tích cực
Bước sang năm 2024, Thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện chủ đề công tác “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Đây là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố. Tăng trưởng kinh tế cả nước dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế; các động lực về đầu tư, tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; nhiều dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa đưa vào khai thác; tình hình chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Đó sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy phát triển, hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng.
Như chủ trương chung mà lãnh đạo thành phố đã quán triệt, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng; đảm bảo quản lý, sử dụng ngân sách bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại các khoản chi ngân sách; tiết giảm chi ngân sách để dành nguồn chi trả nợ; bố trí chi đầu tư xây dựng cơ bản một cách tập trung nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư. Năm 2024, Hà Nội dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hơn 408.000 tỷ đồng, trong đó dự toán thu ngân sách địa phương là 145.252 tỷ đồng; dự toán chi ngân sách địa phương là 146.428 tỷ đồng. Về cân đối thu, chi ngân sách của thành phố năm 2024, tôi cho rằng đã đảm bảo nguồn lực cân đối ngân sách địa phương. Hà Nội có thể đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các chính sách mới của Trung ương, Thành phố, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến:
Phấn đấu hoàn thành các dự án trọng điểm
Năm 2023, số thu ngân sách trên địa bàn quận Tây Hồ đạt 119% dự toán. Công tác chi ngân sách được UBND quận điều hành linh hoạt, chủ động, đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ chính trị của quận. Đặc biệt, chi giải ngân vốn đầu tư công đạt 415% kế hoạch thành phố giao. 27/27 trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia, đứng đầu toàn thành phố, 13/13 chỉ tiêu thi đua của ngành Giáo dục được xếp loại xuất sắc; an sinh xã hội được bảo đảm...
Chúng tôi tự hào về kết quả đạt được và những đóng góp vào kết quả chung của thành phố. Từ những kết quả khả quan mà quận cũng như thành phố đã đạt được trong năm 2023, cá nhân tôi cho rằng triển vọng phát triển năm 2024 rất sáng. Hà Nội sẽ vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được giao và những mục tiêu quan trọng đã được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đề ra từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XVII.
Để tiếp tục đóng góp vào nỗ lực chung của thành phố, hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ được giao, năm 2024, quận Tây Hồ sẽ siết chặt kỷ cương, kỷ luật, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Quận cũng sẽ quyết liệt chỉ đạo công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, quản lý quy hoạch; thực hiện nghiêm túc việc khắc phục tồn tại, hạn chế trong các kết luận sau thanh tra, kiểm tra; phấn đấu hoàn thành các dự án trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư công; đầu tư cho phát triển công nghiệp văn hóa và thực hiện chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu xây dựng quận Tây Hồ thông minh... Đó là cơ sở để quận Tây Hồ thực hiện thắng lợi Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm cũng như mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Tây Hồ lần thứ VI.