Xây dựng nông thôn Mỹ Đức hiện đại, văn minh
Sau hơn 10 năm kiên trì, bền bỉ, nỗ lực thực hiện, Mỹ Đức đã hoàn thành Chương trình xây dựng huyện nông thôn mới, sớm hơn 1 năm so với mục tiêu đề ra. Thành quả này không chỉ là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong khát vọng vượt khó, mà còn tạo nền tảng để xây dựng Mỹ Đức phát triển theo hướng hiện đại, văn minh.
Sức mạnh đoàn kết tạo kết quả toàn diện
So với các địa phương khác của thành phố Hà Nội, huyện Mỹ Đức gặp khó khăn hơn trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Bởi, đây là địa phương có nền sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, cơ sở hạ tầng chưa đạt yêu cầu. Nhiều công trình hạ tầng xuống cấp và không đồng bộ, cần nguồn lực đầu tư lớn. Hơn nữa, Mỹ Đức thường xuyên bị thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Thời điểm Mỹ Đức bắt tay thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (năm 2010), thu nhập bình quân chỉ đạt 10,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 15% dân số... Phần lớn các xã chỉ đạt 5 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, là điện, bưu điện, giáo dục và đào tạo, an ninh trật tự và hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh. Để thực hiện các tiêu chí còn lại, đáp ứng yêu cầu đề ra, Mỹ Đức cần nguồn lực lên đến hàng nghìn tỷ đồng, vượt quá khả năng ngân sách địa phương…
Xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, huyện Mỹ Đức đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về mục tiêu, phương châm, cách làm, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới với tinh thần tự nguyện và trách nhiệm cao… Trong quá trình thực hiện, huyện Mỹ Đức đã phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân. Người dân được bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch những công việc trực tiếp liên quan đến lợi ích của cộng đồng và gia đình, nhất là xây dựng quy hoạch, đề án nông thôn mới. Người dân cũng được bàn và giám sát tiến độ, chất lượng xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội…
Đồng thuận với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quá trình xây dựng nông thôn mới, người dân Mỹ Đức đã hiến 5.475m2 đất ở, 537.900m2 đất nông nghiệp, 232.450 ngày công lao động và tự nguyện đóng góp 151 tỷ đồng tiền mặt để mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, cải tạo, nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa… Các quận: Long Biên, Ba Đình, Hoàng Mai, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Nam Từ Liêm... đã hỗ trợ huyện Mỹ Đức 140 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Cùng với nguồn lực của nhân dân, ngân sách nhà nước đã đầu tư gần 6.273 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới gần 1.234km đường giao thông nông thôn, 58/80 trường học đạt chuẩn quốc gia, 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế...
Hơn 10 năm kiên trì, bền bỉ, nỗ lực thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn Mỹ Đức thật sự “thay da, đổi thịt”, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt, với mức thu nhập bình quân năm 2023 đạt 65,8 triệu đồng/người/năm, tăng 55,5 triệu đồng so với năm 2010. Toàn huyện hiện chỉ còn 51 hộ nghèo... Niềm tin của nhân dân với cấp ủy Đảng, chính quyền ngày càng được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững...
Với kết quả đạt được, Mỹ Đức đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022, sớm hơn 1 năm so với mục tiêu đề ra. Đây là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và tầng lớp nhân dân trong huyện cùng với sự chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, thành phố; sự đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; sự đồng tình, ủng hộ của các cá nhân, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua.
Tiếp tục nâng cao kết quả thực hiện các tiêu chí
Với quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân; lấy phục vụ lợi ích cư dân nông thôn làm động lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới..., huyện Mỹ Đức phấn đấu từ nay đến hết năm 2025 có từ 10 đến 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; từ 7 đến 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; phát triển nông thôn hiện đại, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; thu nhập bình quân của nông dân đạt hơn 80 triệu đồng/người/năm, không còn hộ nghèo; 95% thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu văn hóa; 100% thôn có nhà văn hóa, khu thể thao; duy trì 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 95% trường công lập đạt chuẩn quốc gia...
Để đạt mục tiêu tăng thu nhập, huyện Mỹ Đức tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ổn định, an toàn và ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn... gắn với phát triển công nghiệp chế biến, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, tạo việc làm cho người lao động ở nông thôn... Huyện tiếp tục quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn; có chính sách ưu đãi trong đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho nông dân theo hướng phù hợp với phát triển đô thị... Đặc biệt, huyện Mỹ Đức sẽ tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch có thế mạnh, như: Chùa Hương, hồ Quan Sơn - Tuy Lai, dãy núi Miếu Môn - Hương Sơn, An Phú...
Cùng với giải pháp trên, huyện Mỹ Đức vận dụng tối đa cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã, trang trại, làng nghề truyền thống gắn với du lịch và phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); đẩy mạnh phát triển dịch vụ cung cấp thông tin, giống, vật tư, kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... Huyện sẽ tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám, chữa bệnh cho nhân dân; thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế, dân số; ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đào tạo; tập trung thực hiện tiêu chí môi trường, bảo đảm an ninh trật tự... Mỹ Đức cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch sinh hoạt tập trung; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống tiêu thoát nước thải khu dân cư; lập kế hoạch và triển khai các dự án cải tạo môi trường và xây dựng cảnh quan tại các khu vực ao, hồ, kênh, mương… phục vụ mục tiêu xây dựng cảnh quan nông thôn đa mục đích (điều hòa tiểu khí hậu, tiêu thoát nước, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, khu vui chơi trẻ em…)…
Những năm tới, huyện Mỹ Đức dự báo sẽ còn rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Song, với tinh thần “chung sức, đồng lòng” của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, huyện Mỹ Đức tin tưởng sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra; phấn đấu đến năm 2030, huyện Mỹ Đức trở thành một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ và thương mại lớn của Thủ đô Hà Nội; đời sống vật chất và tinh thần người dân không ngừng nâng cao; diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại, môi trường xanh - sạch - đẹp, trở thành nơi đáng sống.
Huyện Mỹ Đức phấn đấu đến năm 2025 có từ 10 đến 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, từ 7 đến 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đón 2 triệu khách du lịch; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt hơn 80 triệu đồng/người/năm và không còn hộ nghèo; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 96% trở lên; 95% thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu văn hóa; 100% thôn có nhà văn hóa, khu thể thao; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế...
Hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua yêu nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mỹ Đức đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2008, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2014 và Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2023. Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc năm 2021 và công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. UBND thành phố Hà Nội tặng 4 Cờ thi đua đơn vị xuất sắc vào các năm 2016, 2019, 2020, 2022. Các bộ, ban, ngành, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội tặng nhiều Bằng khen...