Văn hóa

Tôn vinh di sản bằng âm nhạc

Hoàng Lân 20/01/2024 - 07:30

Hà Nội được mệnh danh là “Thành phố di sản” với hệ thống di sản phong phú, đa dạng, gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó có một di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Gần đây, cơ quan quản lý đã triển khai kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị nhiều di tích, tăng sức hấp dẫn với du khách khi gắn kết với nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn, phù hợp.

mot-tiet-muc-bieu-dien-tron.jpg
Một tiết mục biểu diễn trong album “Tinh hoa đạo học” tại chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngày 16-1.

Âm nhạc kể chuyện “đạo học”

Nằm trong chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tối 16-1 vừa qua, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám ra mắt album “Tinh hoa đạo học” của nhạc sĩ Đinh Khánh Ly. Sản phẩm âm nhạc truyền thống này đã góp phần tôn vinh giá trị của di sản, tăng sức hấp dẫn với công chúng.

Album “Tinh hoa đạo học” được nhạc sĩ Đinh Khánh Ly dành nhiều tâm huyết, thể hiện tinh thần của các nghệ sĩ trẻ muốn truyền tải các giá trị âm nhạc nghệ thuật truyền thống tới đông đảo công chúng. Album gồm 6 bản hòa tấu nhạc cụ dân tộc, bám sát chủ đề phim mapping 3D “Tinh hoa đạo học” và sử dụng một phần nhạc nền ở Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong chương trình tour đêm.

Các tác phẩm lấy ý tưởng từ những ý thơ của những thi nhân nổi tiếng của Việt Nam. Điển hình như bản phối lấy ý tưởng từ ca khúc “Phiêu bồng trần gian” với ý thơ trác tuyệt của Đại thi hào Nguyễn Du: “Phong lưu phú quý ai bì/Vườn xuân muôn cửa để bia muôn đời”, ca ngợi chí lớn của bậc nho sinh xưa trên con đường lập thân, lập nghiệp. Hay khúc “Đồng dao hành trình Đạo học” viết về bước đường người quân tử dùng ngòi bút tu thân, mở rộng tấm lòng, giúp dân giúp nước, không phụ sự trao gửi từ các bậc tiền nhân…

Chia sẻ về dự án âm nhạc dân tộc “Tinh hoa đạo học”, nhạc sĩ Đinh Khánh Ly cho biết, chương trình tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám gắn liền với tinh thần về “Tinh hoa đạo học”, trong đó giá trị cốt lõi được bắt nguồn từ giáo dục trong gia đình, sự hiếu học, ý chí phấn đấu của mỗi con người. Từ tinh thần đó, nhạc sĩ đã lựa chọn, tìm kiếm những ý tứ văn học từ những nhà văn nổi tiếng để thực hiện toàn bộ phần âm nhạc của tác phẩm này. Các bản hòa tấu được biểu diễn trong chương trình tour đêm góp phần tôn vinh Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Chia sẻ về tác phẩm của nhạc sĩ Đinh Khánh Ly, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, đây là lần đầu tiên có một nhạc sĩ sáng tác album về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Album này sẽ mở đầu cho nhiều sáng tác của những người làm nghệ thuật về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhằm mang đến cho công chúng những cảm xúc đặc biệt, nuôi dưỡng tình yêu đối với di sản.

Đưa di sản đến gần hơn với công chúng

Không chỉ có Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang nỗ lực phát huy giá trị di sản thông qua nhiều hoạt động nghệ thuật để tăng sức hút cho điểm đến, nhiều di tích của Hà Nội lâu nay cũng trở thành điểm biểu diễn nghệ thuật truyền thống hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết, nhiều năm nay, UBND quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với các nhà hát, câu lạc bộ tổ chức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian, truyền thống tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận vào dịp cuối tuần và các ngày nghỉ lễ. Trong đó, có nhiều điểm di tích trở thành sân khấu biểu diễn thường xuyên hấp dẫn du khách, như: Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 phố Hàng Buồm tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật dân tộc kết hơp trình chiếu ánh sáng; Đình Kim Ngân số 42-44 phố Hàng Bạc có các chương trình biểu diễn rối nước, rối cạn; Ngôi nhà Di sản, 87 phố Mã Mây là nơi thường xuyên biểu diễn ca trù... hay di tích đền Vua Lê là điểm biểu diễn nghệ thuật hát xẩm.

“Các chương trình nghệ thuật dân tộc đã góp phần lớn vào bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phần nào tạo nên thương hiệu riêng cho các điểm di tích Hà Nội, được rất nhiều du khách quốc tế tìm đến”, bà Trần Thị Thúy Lan bày tỏ.

Hiện nay, cùng với xu hướng phát triển du lịch đêm, các điểm đến Hà Nội đang nỗ lực làm mới hình ảnh, sản phẩm bằng việc kết hợp nhiều hình thức biểu diễn mới. Âm nhạc đang góp phần lớn vào việc tôn vinh giá trị di sản. Theo nhạc sĩ, nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, để di sản “sống” trong đời sống đương đại, thì các điểm đến cần vận động để có nhiều hình thức tổ chức hấp dẫn công chúng. “Việt Nam có "gia tài" âm nhạc dân tộc phong phú, trong đó có nhiều di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO và nhiều quốc gia ghi danh. "Phát huy được những giá trị này tại những điểm đến di sản phù hợp sẽ góp phần tôn vinh, quảng bá di sản văn hóa của nước ta một cách đầy hấp dẫn và hiệu quả”, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long bày tỏ.