Di chuyển cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô Hà Nội: Cần kiên quyết, có lộ trình
Theo khảo sát của Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội, việc thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không hợp quy hoạch ra khỏi nội đô đến nay còn chậm so với yêu cầu. Trước thực trạng này, cơ quan chức năng cần tiếp tục vào cuộc có trách nhiệm, thực hiện kiên quyết với lộ trình cụ thể để bảo đảm tính khả thi và sử dụng hiệu quả quỹ đất khi các cơ sở dời đi.
92 cơ sở không phù hợp quy hoạch
Thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố đã hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để 25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đề xuất di dời 117 cơ sở ở 12 quận. Trong đó, thành phố xác định có 113 cơ sở không phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị.
Theo ghi nhận của Ban Đô thị HĐND thành phố, hiện vẫn còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và không phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị tại số 460 phố Trần Quý Cáp (phường Văn Chương, quận Đống Đa) và 3 cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần tiếp tục theo dõi đánh giá mức độ ô nhiễm theo kiến nghị của cử tri (Nhà máy bia Việt Pháp, số 202H phố Đội Cấn, quận Ba Đình; Công ty Sen vòi Viglacera, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm; Công ty cổ phần bao bì và má phanh Viglacera, Khu Liên cơ phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm).
Để bảo đảm thực hiện chặt chẽ, đúng chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập 3 tổ công tác rà soát danh mục 117 cơ sở sản xuất công nghiệp, qua đó đã xác định lại tổng số 92 cơ sở sản xuất công nghiệp, bao gồm 11 nhà, đất phải di dời do không phù hợp với quy hoạch theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và 81 cơ sở công nghiệp phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị ra khỏi khu vực nội thành.
Lộ trình di dời cần bảo đảm tính khả thi
Khảo sát của Ban Đô thị HĐND thành phố cho thấy, việc thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không hợp quy hoạch còn hạn chế, chậm so với yêu cầu. Việc xác định tiêu chí, phân loại, hướng dẫn tổng hợp lập danh mục, biện pháp di dời chưa rõ ràng, thiếu đồng bộ, chưa gắn với kế hoạch, lộ trình cụ thể.
Phó Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Đoàn Việt Cường cho biết, nhiều cơ sở dù đã dừng sản xuất nhưng vẫn để lại một số bộ phận hoặc đang hoạt động theo dạng văn phòng giới thiệu sản phẩm. Tình trạng này gây lãng phí quỹ đất, trong khi rất cần quy hoạch thêm nhà ở, trường học, dịch vụ công cộng…
Từ thực trạng đó, Ban Đô thị kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các ngành sớm tham mưu để cùng các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời; thời hạn chót các cơ sở sản xuất công nghiệp cần phải di dời, bảo đảm khả thi.
UBND thành phố cũng cần chỉ đạo các sở, ngành làm tốt hơn công tác tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích di dời các cơ sở gây ô nhiễm và không phù hợp quy hoạch, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp. Việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này cần gắn với quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ đất sau di dời; ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.
Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Đàm Văn Huân cho rằng, trước mắt, UBND thành phố cần chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường không tiếp tục gia hạn sử dụng đất cho các cơ sở trong diện cần di dời; tham mưu cơ chế quản lý khu vực các đơn vị đã di dời, tránh tình trạng lấn chiếm. UBND thành phố cần chủ trì cùng các sở, ngành, UBND 12 quận, 5 huyện có đề án thành lập quận và 2 khu vực dự kiến phát triển thành thành phố lập danh mục các cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp phải di dời do không phù hợp quy hoạch...
Ban Đô thị HĐND thành phố cũng đề nghị UBND thành phố phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Ban Quản lý các dự án đường sắt nghiên cứu phương án, cơ chế hỗ trợ di dời Công ty cổ phần Xây lắp và Cơ khí cầu đường tại địa chỉ số 460 phố Trần Quý Cáp (quận Đống Đa), bảo đảm ổn định sản xuất, do đây là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đồng thời không phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị.
Đối với các sở, ngành và các quận, Ban Đô thị HĐND thành phố đề nghị, trên cơ sở hướng dẫn của thành phố, rà soát, lập danh mục, xác định tính pháp lý của các cơ sở thuộc diện phải di dời, báo cáo UBND thành phố. Các địa phương cũng cần phối hợp làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền đến từng doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý; hỗ trợ, hướng dẫn theo chức năng, nhiệm vụ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện di dời.