Giáo dục

Giữ lời hứa để có được sự tôn trọng, an tâm và tin cậy nơi trẻ

Thế Anh 19/01/2024 - 21:10

Ngày 19-1, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và kênh Truyền hình Vì trẻ em VTV1 đã phối hợp tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề: “Cha mẹ có luôn giữ lời hứa với con”.

Trong khuôn khổ chương trình, các thành viên tham gia trao đổi đã cùng chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý trong việc giáo dục con, trong đó nhấn mạnh thông điệp: Trước khi hứa điều gì đó, cha mẹ cần chắc chắn khả năng thực hiện và cố gắng giữ lời hứa để có được sự tôn trọng, an tâm và tin cậy nơi trẻ.

trao-doi-giua-dien-gia-va-chuyen-gia.jpg
Quang cảnh chương trình.

Theo TS Tâm lý Trần Thu Hương, lời hứa của cha mẹ luôn được trẻ ghi nhớ và mong mỏi thực hiện. Khi cha mẹ thất hứa, trẻ sẽ cảm thấy thất vọng và đau buồn. Ngược lại, khi cha mẹ và người xung quanh nhất quán, luôn giữ lời mình đã hứa với trẻ, trẻ sẽ luôn cảm thấy an toàn và thoải mái trong môi trường sống của mình. Điều này quan trọng trong quá trình phát triển và hình thành nhân cách của trẻ.

Lời hứa trao đi niềm tin và hy vọng cho mọi người xung quanh và đặc biệt là với một đứa trẻ đang trong quá trình trưởng thành. Việc giữ lời hứa với con trẻ còn là một phương pháp để giáo dục và dạy cho con cách tư duy, nâng cao nhận thức. Nhưng hiện nay, vẫn còn những bậc làm cha, làm mẹ quen nếp nghĩ “trẻ con thì biết cái gì”, hay “trẻ con mau quên”, nên hay hứa rồi quên luôn. Trong khi đó, phần lớn trẻ em học hỏi là nhờ vào việc “bắt chước”. Nếu cha mẹ luôn giữ lời hứa và trung thực thì trẻ cũng sẽ học được tầm quan trọng và giá trị của việc thực hiện một cam kết và dần định hình nhân cách trung thực, giữ lời đã hứa khi lớn lên.

ts-tran-thu-huong.jpg
TS Trần Thu Hương chia sẻ tại chương trình.

Do vậy, TS Tâm lý Trần Thu Hương nhấn mạnh: Để bảo đảm khả năng thực hiện lời hứa với trẻ, trước khi hứa điều gì đó, cha mẹ cần chắc chắn khả năng thực hiện và cố gắng giữ lời hứa để có được sự tôn trọng, an tâm và tin cậy nơi trẻ. Nếu gặp tình huống không thể thực hiện lời hứa với trẻ, cha mẹ nên trung thực và công khai xin lỗi trẻ, đồng thời, giải thích lý do tại sao cha mẹ không thể thực hiện lời hứa với trẻ.

Chuyên gia Trần Thu Hương nêu lên một số lời khuyên, bao gồm: Khi không thể thực hiện lời hứa cũ, cha mẹ hãy cố gắng giải thích với trẻ và đưa ra lời hứa mới (cần chắc chắn thực hiện). Nói cách khác, cha mẹ không tìm cách bao biện khi không thực hiện lời hứa với trẻ, mà hãy thẳng thắn thừa nhận sự việc, đồng thời, cải thiện việc đưa ra và giữ lời hứa giữa các thành viên trong gia đình…