Hà Nội kết nối

Ngành Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh: Phấn đấu giải ngân đạt hơn 95% vốn được giao năm 2024

Hà Tuấn 19/01/2024 - 18:05

Chiều 19-1, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

hngt.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, Sở đặt ra 4 chỉ tiêu lớn cần thực hiện năm 2024. Một là chỉ tiêu kế hoạch vốn, thực hiện công tác giải ngân đạt hơn 95% vốn được giao. Hai là giảm tối thiểu 5% số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2023. Ba là khối lượng vận tải hành khách công cộng đạt 476 triệu lượt. Bốn là các chỉ tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông: Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 14,44%; mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,44 km/km².

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, năm 2024, thành phố tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông.

Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trong điểm, cấp bách như đường Vành đai 3, nút giao thông An Phú, mở rộng Quốc lộ 50, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, nút giao thông Mỹ Thủy…

an-phu-copy.jpg
Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh sẽ được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành năm 2024.

Đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành khai thác tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) trong quý II - 2024, đồng thời, khởi công tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) năm 2024.

Bên cạnh đó, tập trung hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư, trình cấp thẩm quyền thông qua và phê duyệt dự án đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, kết nối vùng như Vành đai 2 (đoạn 4), Vành đai 4; Cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài; mở rộng đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ…

Để thực hiện đúng tiến độ, Sở Giao thông Vận tải đẩy mạnh phối hợp với các sở, ngành, UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện, các chủ đầu tư và các đơn vị liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình và giải ngân kế hoạch vốn được giao.

Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đang triển khai như Vành đai 3; nút giao thông An Phú; đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa; nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ…

Mặt khác, chú trọng quy hoạch, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD), quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ vận tải, giao thông đường thủy gắn liền với các đề án đã được thành phố phê duyệt.

Để đồng bộ hạ tầng, ngành GTVT thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng cường các giải pháp để thu hút đầu tư, đa dạng các nguồn vốn để ưu tiên vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy; phát triển các tuyến vận tải hành khách đường thủy để phát triển du lịch, các tuyến đường dọc sông Sài Gòn...

Tổng kế hoạch vốn năm 2023 giao Sở Giao thông Vận tải gần 4.300 tỷ đồng, giá trị giải ngân đạt gần 4.100 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 95%. Trong đó, vốn duy tu hơn 2.375 tỷ đồng; vốn trợ giá xe buýt hơn 1.748 tỷ đồng; vốn đầu tư công hơn 172 tỷ đồng. Năm 2023, tính chung ngành Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh (gồm Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban Quản lý đường sắt đô thị, Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị thuộc Sở), tổng kế hoạch vốn giao hơn 40.870 tỷ đồng, giá trị giải ngân hơn 28.590 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 70%.