Gắn công tác nhân đạo với bảo đảm an sinh

Đời sống - Ngày đăng : 06:19, 28/12/2022

(HNM) - Những chương trình, hoạt động nhân đạo do các cấp Hội Chữ thập đỏ triển khai nhiều năm qua đều hướng đến mục tiêu góp phần ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh cho người dân, cộng đồng gặp khó khăn. Việc thực hiện hiệu quả các phong trào cũng là môi trường để hình thành, nuôi dưỡng những tấm gương người tốt, việc thiện, xây dựng cộng đồng nhân ái.

Đại diện các cơ quanchức năng bàn giao nhà mới cho bà Lê Thị Huệ (xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa).

Sáng tạo, hiệu quả

Với vai trò là một tổ chức xã hội đặc thù, mọi hoạt động của mạng lưới Hội Chữ thập đỏ luôn nhận được sự định hướng, chỉ đạo sát sao của Đảng và hệ thống chính trị ở địa phương. Trong đó, những nội dung đề ra tại Chỉ thị số 43-CT/TƯ ngày 8-6-2010 của Ban Bí thư (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong tình hình mới” trở thành kim chỉ nam dẫn lối, chỉ đường để các chương trình, hoạt động mang ý nghĩa nhân đạo ngấm đến từng cán bộ, đảng viên và từng bước thấm sâu, lan tỏa trong xã hội.

Theo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, giai đoạn 2017-2022, trung bình mỗi năm, cả nước có 18,3 triệu lượt người gặp khó khăn, người bị tổn thương đón nhận nguồn lực hỗ trợ từ Hội Chữ thập đỏ với trị giá hơn 4.500 tỷ đồng. Riêng năm 2022, các nguồn lực trợ giúp đạt trị giá hơn 4.737 tỷ đồng, góp phần bảo đảm đời sống, an sinh cho gần 18,8 triệu lượt người gặp khó. Đối tượng được ưu tiên hỗ trợ là người nghèo, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người cao tuổi, ngư dân, hội viên phụ nữ khó khăn vùng biên giới, người dân vùng thiên tai…

Ở cấp cơ sở, các cấp hội nỗ lực vận động, huy động nguồn lực và tổ chức các hoạt động trợ giúp dựa trên thế mạnh, đặc thù của địa phương. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu cho biết, trong quá trình vận động nguồn lực, lực lượng cán bộ, hội viên tạo dựng lòng tin đối với nhà hảo tâm bằng việc cam kết đưa nguồn lực trợ giúp đến đúng địa chỉ. Ngoài ra, những địa phương có điều kiện kinh tế tốt hơn, dễ vận động nguồn lực hơn liên kết với các địa phương khó khăn hơn để cùng phát triển. Trên cơ sở đó, các quận khu vực nội thành liên kết với các huyện ngoại thành và đưa một phần nguồn lực xã hội về vùng khó khăn.

Từ nguồn lực trợ giúp đạt trị giá hàng trăm tỷ đồng/năm của Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội, cuộc sống hàng triệu lượt người nhận hỗ trợ đổi thay theo hướng tích cực. Bà Lê Thị Huệ, xã Hòa Xá (huyện Ứng Hòa) chia sẻ: “Sống trong ngôi nhà mới do Hội Chữ thập đỏ huyện Ứng Hòa bàn giao cuối tháng 11 vừa qua, gia đình tôi rất phấn khởi, từ nay yên tâm lo làm ăn, phát triển kinh tế”.

Đại diện Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội trao quà tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai), tháng 12-2022.

Tiếp tục đưa các phong trào lan tỏa

Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm Nguyễn Thị Thanh Yến, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, việc thực hiện công tác chữ thập đỏ trong tình hình mới gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên nguồn lực xã hội ủng hộ cho các chương trình, hoạt động xã hội bị hạn chế. Hoạt động của tổ chức hội ở cơ sở có nơi chưa đáp ứng yêu cầu do cán bộ, hội viên kiêm nhiệm nhiều phần việc, chưa dành đủ thời gian thực hiện “sứ mệnh” nhân đạo… Điều đáng quan tâm, công tác vận động hiến máu tình nguyện là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội Chữ thập đỏ chưa được đông đảo người dân tham gia. Trưởng ban Chăm sóc sức khỏe (Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội) Đoàn Đại Dương cho biết: Người hiến máu tình nguyện tập trung chủ yếu ở đối tượng học sinh, sinh viên, thanh niên, người lao động, chưa có nhiều người dân trong cộng đồng tham gia.

Tương tự, mạng lưới Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành phố khác cũng gặp khó khăn về huy động nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển phong trào hiến máu tình nguyện. “Trong tổng số gần 1,5% dân số tham gia hiến máu hiện nay, số người hiến máu nhắc lại chiếm đa số với 65%, người hiến máu lần đầu chiếm 35%. Thế nên, mục tiêu phát triển số người tham gia hiến máu tình nguyện nhằm đáp ứng nhu cầu cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, nhất là với bệnh nhân nghèo vẫn là bài toán khó”, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện Lê Gia Tiến trăn trở.

Để thực hiện tốt công tác nhân đạo gắn với bảo đảm an sinh cho các trường hợp khó khăn theo Kết luận số 44-KL/TƯ ngày 14-11-2022 của Ban Bí thư về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TƯ của Ban Bí thư khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong tình hình mới”, năm 2023 và những năm tiếp theo, các cấp Hội Chữ thập đỏ chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa nhấn mạnh: Thông qua những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, năm 2023, mạng lưới Chữ thập đỏ phấn đấu trợ giúp thường xuyên, đột xuất cho 2 triệu lượt đối tượng, phấn đấu thu hút 1,6% dân số hiến máu. Trước mắt, toàn hội chăm lo, hỗ trợ ít nhất 1 triệu người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023...

Minh Vũ