EU đẩy mạnh năng lực chống rửa tiền
Các nhà đàm phán Liên minh châu Âu (EU) đạt thỏa thuận về kế hoạch cứng rắn hơn để đối phó nạn rửa tiền trong khối, bao gồm tiền điện tử và đặt ra giới hạn đối với hình thức thanh toán bằng tiền mặt.
“Các thỏa thuận là một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lại tiền bẩn ở EU”, hãng tin DW (Đức) dẫn tuyên bố của Ủy viên Dịch vụ tài chính EU Mairead McGuiness, ngày 19-1.
Kế hoạch của EU sẽ giúp giới điều tra tài chính tăng cường năng lực kiểm tra các vụ nghi rửa tiền và tài trợ khủng bố, đồng thời mang lại quyền hạn lớn hơn để có thể đình chỉ những giao dịch hoặc tài khoản đáng ngờ.
Bà Mairead McGuinness ca ngợi kế hoạch là bước đi “thay đổi cuộc chơi” vì cung cấp những “quy tắc mạnh mẽ và nhất quán trên toàn EU trong cuộc chiến chống tiền bẩn”.
Dù đã đạt đồng thuận nhưng kế hoạch của EU vẫn cần được thông qua tại Nghị viện châu Âu và nhận được sự đồng ý của các quốc gia thành viên Hội đồng châu Âu trước khi chính thức có hiệu lực.
Theo kế hoạch của EU, các nhà cung cấp tiền điện tử sẽ phải thực hiện thẩm định khách hàng và báo cáo những hoạt động đáng ngờ, đặc biệt là các giao dịch trị giá từ 1.000 euro trở lên.
Những bên buôn bán hàng hóa xa xỉ như kim loại quý, ô tô và du thuyền, các câu lạc bộ bóng đá và người đại diện, cũng sẽ nằm trong phạm vi điều chỉnh.
Những cơ quan tình báo tài chính ở các quốc gia thành viên đóng vai trò trung gian giữa các thực thể tư nhân tuân theo quy định chống rửa tiền và các cơ quan thực thi pháp luật sẽ được trao nhiều quyền hạn hơn để có thể phát hiện những hoạt động đáng ngờ, đình chỉ các giao dịch, tài khoản và thậm chí là mối quan hệ kinh doanh.
Giới hạn tối đa trong thanh toán tiền mặt trên toàn EU ở mức 10.000 euro nhằm gây khó khăn hơn cho tội phạm rửa tiền. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên khối vẫn có thể linh hoạt đặt ra mức tối đa thấp hơn nếu muốn.
Theo EU, hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố là mối đe dọa nghiêm trọng đối với tính toàn vẹn của nền kinh tế, hệ thống tài chính, cũng như an ninh của công dân trong khối gồm 27 quốc gia thành viên.
Cơ quan hợp tác thực thi pháp luật Liên minh châu Âu (Europol) ước tính, khoảng 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm của EU “bị phát hiện có liên quan đến hoạt động tài chính đáng ngờ”.