Văn hóa

Việt Nam có thêm 29 bảo vật quốc gia, Hà Nội “góp” 8

Hoàng Lân 18/01/2024 - 20:18

Ngày 18-1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 73/QĐ-TTg công nhận 29 bảo vật quốc gia (đợt 12, năm 2023), trong đó Hà Nội có nhiều nhất với 8 bảo vật.

co-loa20.jpg
Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa) thời Lê Trung Hưng, năm 1732 được công nhận là Bảo vật quốc gia lần này.

Trong 8 bảo vật quốc gia mới tại Hà Nội có thạp đồng kính hoa 2, niên đại thế kỷ III-II trước Công nguyên, thuộc bộ sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Kính. Hai bảo vật đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia là trống đồng Sao Vàng, thuộc văn hóa Đông Sơn, cách nay 2.000 năm; bảo kiếm an dân niên hiệu Khải Định (1916-1925).

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội có 5 bảo vật, gồm: Lá đề trang trí chim phượng đất nung thời Lý, thế kỷ XI; đao cẩn tam khí thời Trần, thế kỷ XIV; mô hình đất nung kiến trúc thời Lê sơ, thế kỷ XV; thẻ bài cung nữ ra vào nội cung thời Lê sơ, đời vua Lê Thánh Tông (1466); cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa) thời Lê Trung hưng, năm 1732.

Hải Phòng có 3 bảo vật là bình đồng Đông Sơn, khoảng thế kỷ II- I trước Công nguyên; bình gốm hoa nâu thế kỷ XI-XII; lư hương gốm men lam xám, đời vua Mạc Hậu Hợp, thế kỷ XVI.

Hải Dương có bảo vật bộ tượng tam thế Phật chùa Côn Sơn, thời Lê Trung hưng; mộc bản chùa Trăm Gian, thế kỷ XVII-XX; chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần, thế kỷ XIII-XIV.

Đà Nẵng có 3 bảo vật, gồm phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1, thế kỷ VII-VIII; tượng Shiva Mỹ Sơn C1, thế kỷ VIII; phù điêu Apsara Trà Kiệu, thế kỷ XX.

Tỉnh Ninh Thuận có 2 bảo vật là bia Phước Thiện cuối thế kỷ VIII đầu thế kỷ IX; tượng thờ vua Pô Klong Garai, thế kỷ 16-17.

Bên cạnh đó, nhiều bảo vật khác được công nhận đợt này gồm: Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai (Đăk Lăk); sưu tập đàn đá Khánh Sơn (Khánh Hòa); sưu tập vàng lá Châu Thành (Trà Vinh); linga vàng Po Dam (Bình Thuận); phù điêu nữ thần Uma (Bạc Liêu); sưu tập cột kinh Phật thời Đinh (Ninh Bình); hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn (Bình Định); bia “Đại bia Diên Minh tự bi” (Hưng Yên); mộc bản chùa Dâu (Bắc Ninh); khuôn in tín phiếu mệnh giá một đồng và năm mươi đồng (Quảng Ngãi).

Luật Di sản văn hóa quy định bảo vật quốc gia phải là hiện vật gốc độc bản, hình thức độc đáo, có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu. Bảo vật quốc gia cũng có thể là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, phong cách, thời đại...