Bến xe, nhà xe phải "bắt tay" nâng chất lượng dịch vụ
Chiều 18-1, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội tổ chức đối thoại với các bến xe và đơn vị vận tải để tìm giải pháp thu hút hành khách đến với bến xe, sử dụng vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh.
Xe chính thống khó cạnh tranh với xe hợp đồng “trá hình”
Hiện nay, mạng lưới tuyến vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh đường bộ của Hà Nội kết nối 41 tỉnh, thành phố với 897 tuyến vận tải, 502 đơn vị vận tải, 3.303 phương tiện, hoạt động 3.556 chuyến/ngày (trong đó có 38 đơn vị vận tải thuộc Hà Nội với tổng cộng 450 xe).
Tại buổi đối thoại, đại diện nhiều doanh nghiệp bến xe, vận tải cho rằng, hoạt động vận tải khách tuyến cố định hiện đang gặp phải sự cạnh tranh rất lớn từ xe “dù”, bến “cóc”, xe limousine trá hình hoạt động như xe khách tuyến cố định. Cũng vì không cạnh tranh được, không ít doanh nghiệp vận tải đã phải bỏ bến ra ngoài chạy “dù”.
Theo ông Đỗ Văn Huy, Giám đốc Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội, trong các năm qua, các cơ quan liên quan đều nhận diện được nguyên nhân dẫn tới việc xe “dù”, bến “cóc” phát triển rầm rộ. Nhiều đơn vị vận tải hoạt động “lách” luật hoạt động trá hình như xe khách liên tỉnh tuyến cố định. Lực lượng chức năng cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý nhưng vi phạm không giảm.
Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho rằng, thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng còn có lúc, có nơi chưa quyết liệt, chưa thường xuyên; còn tồn tại, phát sinh tái diễn xe “dù, bến “cóc” trên địa bàn quản lý. Trong khi đó, các bến xe trên địa bàn thành phố chưa được quan tâm đầu tư, công tác ứng dụng công nghệ thông tin để thu hút hành khách sử dụng dịch vụ chưa có; chưa tổ chức tốt công tác trung chuyển hành khách nhằm nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút hành khách đến bến. Một số bến xe chưa có cơ chế khuyến khích để thu hút hành khách, doanh nghiệp vận tải sử dụng dịch vụ.
Về nguyên nhân khách quan, hiện khâu tổ chức vận hành bến, tổ chức giao thông tại một số bến xe còn chưa khoa học, chưa thuận lợi cho xe ra vào bến; vị trí địa lý giữa các bến xe trên cùng một hướng tuyến còn gần nhau… Mặt khác, tại một số khu vực phát sinh tình trạng xe hợp đồng “trá hình” hoạt động đón trả khách sai quy định…
Xây dựng app vận tải liên tỉnh
Thừa nhận xe “dù”, xe limousine dù vi phạm nhưng lại hấp dẫn hành khách bởi sự tiện lợi, đưa đón tận nhà với giá cả cạnh tranh, đại diện các doanh nghiệp vận tải kiến nghị Nhà nước cần tạo điều kiện cho các loại hình vận tải chính thống có điều kiện phát triển.
Giám đốc Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội Đỗ Văn Huy nêu thực tế, xe “dù”, xe limousine chủ yếu hoạt động ở các tuyến có bán kính 100-200km. Do đó, doanh nghiệp đề xuất chuyển các tuyến cố định cự ly ngắn thành tuyến buýt kế cận. Với tuyến dài bổ sung các điểm trung chuyển, vị trí dừng đỗ phù hợp nhằm vừa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, vừa phục vụ cho yêu cầu quản lý.
Một số ý kiến đề xuất bên cạnh phát triển mạng lưới xe buýt, thành phố sớm phát triển loại hình xe cỡ nhỏ trung chuyển hành khách giữa các bến xe với nhau và giữa bến xe đến các điểm, khu vực trong nội đô để thuận tiện cho hành khách di chuyển khi có nhu cầu ra sử dụng vận tải liên tỉnh…
Ghi nhận những khó khăn cũng như nỗ lực của các đơn vị vận tải, đơn vị quản lý bến xe, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh, cơ quan quản lý Nhà nước đã nhận diện rõ những bất cập về xe “dù”, bến “cóc” và đang nỗ lực xử lý. Tuy nhiên, các bến xe và doanh nghiệp vận tải phải phối hợp chặt chẽ, đồng hành với nhau để cùng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, qua đó thu hút hành khách.
Với các ý kiến đề xuất cụ thể từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Phi Thường khẳng định ủng hộ chủ trương thí điểm phát triển xe trung chuyển hành khách song loại hình này phải có nhận diện thương hiệu, lộ trình rõ ràng là từ bến đến bến, từ bến đến các điểm trung tâm thành phố để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Sở GTVT Hà Nội cũng giao Phòng Quản lý vận tải phối hợp với các bến xe rà soát các tuyến, các nốt xe để điều chỉnh cho phù hợp; kiên quyết loại bỏ các nốt “ảo”; tăng các nốt, các tuyến cần thiết để đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, sớm nghiên cứu xây dựng app vận tải liên tỉnh để để người dân dễ tiếp cận, sử dụng dịch vụ. Thông qua app, các doanh nghiệp vận tải cũng chủ động hơn trong công tác phục vụ hành khách…