Hà Nội: Phát triển 181 mô hình quản lý, chăm sóc người sau cai nghiện ma túy
Ngày 18-1, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho biết, năm 2023, toàn thành phố phát triển 181 mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú.
So với chỉ tiêu được giao, nhiệm vụ này được các cơ quan chức năng hoàn thành xuất sắc (chỉ tiêu phát triển 103 mô hình). Lũy kế đến thời điểm hết năm 2023, Hà Nội có tổng số 470 mô hình hỗ trợ người sau cai nghiện tìm lại chính mình trong môi trường gia đình, cộng đồng.
Mô hình được nhiều người biết đến là Câu lạc bộ “Quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy” (Câu lạc bộ B93). Hiện có 98 câu lạc bộ đang hoạt động hiệu quả tại nhiều địa phương. Trong năm vừa qua, các câu lạc bộ B93 đã tổ chức gần 900 buổi sinh hoạt, thu hút gần 5.000 lượt hội viên tham gia. Điều này giúp người sau cai nghiện thấy bản thân được cảm thông, chia sẻ, dần hình thành những suy nghĩ tích cực, chủ động tránh xa con đường từng lầm lỡ.
Mô hình có độ bao phủ rộng nhất là “Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng”. Thông qua hơn 330 mô hình đang hoạt động, các tình nguyện viên đã tiếp cận, tư vấn, giúp đỡ về nhiều mặt cho hàng vạn lượt người sau cai nghiện ma túy, người thuộc nhóm nguy cơ cao...
Ngoài hai mô hình nêu trên, Hà Nội còn có 36 mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng” đang hoạt động, cung cấp kịp thời nhiều dịch vụ hỗ trợ giảm tác hại cho người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy tại cộng đồng; đồng thời chuyển gửi nhiều trường hợp đến các dịch vụ hỗ trợ xã hội chuyên sâu (điều trị cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy; điều trị thay thế bằng thuốc Methadone; xét nghiệm HIV, viêm gan B, C...). Đối với những trường hợp có tình trạng sức khỏe tốt, quyết tâm tránh xa ma túy và có nhu cầu việc làm, họ được kết nối để tiếp cận với cơ hội việc làm, học nghề, vay vốn để tự tạo việc làm...
Năm 2024, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cùng các cơ quan chức năng tiếp tục duy trì, phát triển mới các mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú. Phấn đấu đến cuối năm, Hà Nội có ít nhất 80% số xã, phường, thị trấn áp dụng mô hình quản lý sau nghiện ma tuý; đến năm 2025, tỷ lệ này tăng lên 100%. Đây là giải pháp quan trọng nhằm bảo vệ cộng đồng trước hiểm họa ma túy, giảm tác hại do ma túy.