Lựa chọn 1-2 huyện thí điểm quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
UBND cấp tỉnh quyết định giao nhiệm vụ cho cấp huyện được lựa chọn thí điểm. HĐND tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn để quyết định lựa chọn không quá 2 huyện thực hiện.
Sáng 18-1, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về nội dung này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, về nội dung phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm cho cấp huyện, tiếp thu ý kiến xác đáng của các đại biểu, Nghị quyết quy định: “HĐND cấp tỉnh quyết định, hoặc phân cấp cho HĐND cấp huyện phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần”.
Về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với quan điểm của Chính phủ về việc cho phép điều chỉnh cả 3 chương trình sẽ phá vỡ cơ cấu các chương trình, phát sinh thêm nhiều thủ tục, khó đạt mục tiêu và có thể dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong khi thời gian thực hiện chỉ còn 2 năm.
Do vậy, việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước từ các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ hoặc không đủ điều kiện để giải ngân kinh phí theo quy định hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp để bổ sung dự toán thực hiện các dự án thành phần khác trong cùng chương trình mục tiêu quốc gia phải đảm bảo không vượt tổng dự toán ngân sách nhà nước, không thay đổi cơ cấu chi đầu tư, chi thường xuyên đã được cấp có thẩm quyền giao.
Điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hằng năm giữa các dự án đầu tư trong danh mục dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trong cùng chương trình mục tiêu quốc gia phải bảo đảm không vượt quá tổng mức vốn đầu tư đã được cấp có thẩm quyền giao trong trung hạn của từng dự án, tổng mức vốn trong năm của từng chương trình.
Về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất, Quốc hội cho phép UBND cấp tỉnh báo cáo với Thường trực HĐND cho phép điều chỉnh, báo cáo lại HĐND ở kỳ họp gần nhất để tạo sự linh hoạt, kịp thời cho địa phương.
Đối với việc quản lý, hỗ trợ đối với tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Nghị quyết quy định: “Đối với tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, có vốn hỗ trợ tối đa không quá 20% giá trị tài sản và không vượt quá tổng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo từng dự án cụ thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Nghị quyết quy định, UBND cấp tỉnh quyết định giao nhiệm vụ cho cấp huyện được lựa chọn thí điểm. Đồng thời, giao HĐND tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn để quyết định lựa chọn không quá 2 huyện thực hiện thí điểm.
Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có hiệu lực thi hành từ ngày được Quốc hội thông qua (18-1-2024) cho đến khi Quốc hội có quy định khác.