Bạn đọc

Đăng ký biến động đất đai tại huyện Chương Mỹ: Cần bảo đảm quyền lợi người dân

Thiện Mỹ 18/01/2024 - 07:27

Đất nông nghiệp, đất ở, đất vườn của hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Chương Mỹ thay đổi diện tích do bị thu hồi để thực hiện dự án, hiến đất làm đường, làm nhà văn hóa... nhưng đến nay họ chưa thể đăng ký điều chỉnh biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do không có quyết định thu hồi đất đến từng cá nhân, hộ gia đình. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người dân, rất cần được giải quyết sớm.

dat-dai.jpg
Nhiều hộ dân xã Phú Nam An (huyện Chương Mỹ) đã hiến đất làm kè bờ hữu sông Đáy.

Vướng mắc kéo dài

Từ năm 2003 đến 2008, hơn 100 hộ dân ở tổ dân phố Tràng An và Chùa Vàng (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) bị thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và nhà văn hóa, nhưng không được điều chỉnh biến động kịp thời trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Nguyên nhân là do tại thời điểm thu hồi đất, do cơ quan chức năng không có quyết định thu hồi đến từng hộ gia đình, cá nhân nên không đủ điều kiện để hộ dân làm thủ tục đăng ký biến động. Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn Nguyễn Quốc Cương, năm 2016, địa phương cũng làm thủ tục đăng ký biến động giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ, song vì chỉ có quyết định thu hồi tổng diện tích đất thực hiện dự án kèm theo danh sách, diện tích đất thu hồi của các cá nhân, hộ gia đình nên hồ sơ bị Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội huyện Chương Mỹ trả về. Liên quan đến vấn đề này, Tổ trưởng tổ dân phố Tràng An Mai Kiều Oanh cho biết: “Việc này kéo dài đã lâu, nhưng việc hướng dẫn giải quyết của các cấp rất chậm chạp”.

Không bị thu hồi đất cho dự án công nghiệp như thị trấn Chúc Sơn, nhưng người dân ở xã Phú Nam An cũng gặp vướng mắc do đã... hiến đất làm đường. Theo đó, thôn Mỗ Xá, thôn Phú Đức của xã nằm liền kề bờ sông Đáy, thường xuyên bị sạt lở. Năm 2021, dự án đầu tư xử lý cấp bách khắc phục sự cố sạt lở bờ hữu sông Đáy đã được triển khai. Tổng chiều dài toàn tuyến kè là 1.733m, liên quan đến 57 hộ, trong đó, số hộ tự nguyện hiến đất ở và đất vườn là 37 hộ với tổng diện tích 1.447,8m2. Trong số này, nhiều hộ hiến diện tích đất vườn lớn, như các gia đình: Ông Lê Công Bảo (xóm Kho) hiến 103m2, ông Lê Danh Núi (xóm Cõi) hiến 136m2, bà Lê Thị Đào (xóm Cõi) hiến 200m2...

Tuy nhiên, đến nay các hộ chưa được chỉnh lý biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng vì không có quyết định thu hồi đến từng hộ dân. “Người dân đã tự nguyện hiến đất làm đường, không đòi hỏi bất cứ khoản hỗ trợ nào, tôi đề nghị cấp thẩm quyền xem xét, điều chỉnh biến động trên giấy chứng nhận sớm cho các hộ dân”, Chủ tịch UBND xã Phú Nam An Lê Văn Bộ kiến nghị.

Cần sớm có hướng dẫn

Trước những tồn tại nêu trên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chương Mỹ Trịnh Bá Thường cho biết, sau nhiều lần có văn bản báo cáo UBND thành phố Hà Nội, cuối tháng 10-2023, UBND huyện Chương Mỹ đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hướng dẫn thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai với các trường hợp không có quyết định thu hồi đến hộ gia đình, cá nhân ở thị trấn Chúc Sơn theo hướng cho phép sử dụng thông tin của quyết định thu hồi đất tổng thể và danh sách các hộ bị thu hồi đất kèm theo mà không cần quyết định thu hồi đến từng hộ, cá nhân.

UBND huyện đã giao Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội huyện Chương Mỹ phối hợp với UBND các xã, thị trấn hướng dẫn các hộ lập hồ sơ đăng ký biến động đất đai. Bên cạnh đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện có trách nhiệm phối hợp, cung cấp hồ sơ liên quan, tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết thủ tục đăng ký biến động cho các hộ dân.

Trên tinh thần giải quyết sớm nhất việc điều chỉnh giấy chứng nhận, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn Nguyễn Quốc Cương thông tin, UBND thị trấn đã bắt tay vào rà soát, thực hiện các thủ tục. Tại hội nghị tiếp xúc cử tri cuối năm 2023, người dân được nghe giải thích cặn kẽ và đã đồng tình phối hợp cùng UBND thị trấn hoàn thiện hồ sơ.

Còn về 37 hộ dân hiến đất kè bờ hữu sông Đáy ở xã Phú Nam An, ông Trịnh Bá Thường cho hay, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã rà soát, báo cáo UBND huyện và tham mưu để UBND huyện báo cáo UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hướng dẫn những thủ tục cần thiết trong điều chỉnh biến động giấy chứng nhận đối với những trường hợp người dân hiến đất.

Đáng nói là, việc điều chỉnh biến động đất đai ở Phú Nam An không đơn giản do còn liên quan đến chi phí đo đạc thửa đất và nộp các loại phí theo quy định. Đề nghị cấp thẩm quyền xem xét, tạo điều kiện tối đa để người dân xã Phú Nam An nói riêng, người dân trên địa bàn huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội nói chung tiếp tục đồng thuận, sẵn sàng hiến đất vì lợi ích chung của cộng đồng.