“Dốc im lặng”- linh cảm vô thanh
Không thể đọc nhanh thơ của họa sĩ Trần Thắng. Từ từ ngấm, từ từ cảm nhận tấm chân tình “Dốc im lặng” của người từng trải. Họa sĩ lặng lẽ dung nạp cuộc sống, rồi từ thẳm sâu trong linh cảm tĩnh lặng đến vô vi, bật ra những cung bậc của cảm xúc, những thăng trầm của kiếp nhân sinh.
Tôi gặp “ông cụ” thơ Trần Thắng mới một lần chiều cuối năm nắng hanh lạnh nứt nẻ môi, thơm khói cà phê quán ven đường nhìn phố xá trầm trôi. Không khó nhận ra anh bước ra từ Facebook, rất già mà như vẫn trẻ. Như đông chí mà như vẫn thu phân, như mặt nước xanh hiền hòa của hồ sâu thăm thẳm đầy ẩn ức, vẻ bề ngoài ấy khiến tôi cảm giác con người này không thể dễ dàng để những gì lướt qua.
Đón nhận “Dốc im lặng”, tôi chỉ kịp thốt lên đẹp quá! Rồi im lặng lật từng trang nặng trĩu trên tay. Tôi chợt nghĩ phải đọc “Dốc im lặng” trong tĩnh lặng mới xuyên suốt chiều sâu thời gian quá nửa đời người và chiều rộng không gian những gì anh đã trải qua trên bầu trời, trái đất này. Và tôi đã mang “Dốc im lặng” lên lưng chừng núi, lưng chừng trời, lặng lẽ, chậm rãi nhấm nháp từng bài, dưới tán đào đơm nụ rung rinh nắng rã đông trước thềm năm mới 2024. Một thi tập ấn tượng với những mảng màu tương phản, đối lập, rõ nét, mạnh mẽ đầy sức sống nam tính. Mùi giấy mới lẫn trong làn hương từ bụi tầm xuân trên dốc đồi dịu dàng bay tới, lẫn thơm mùi gỗ, mùa cỏ hoa, mùi sen, mùi làng quê, rơm rạ.
Trong động có tĩnh. Trong tĩnh có động
Ẩn sâu trong vẻ đẹp nội tâm của mỗi con người là sự dung hòa của hai yếu tố chuyển hóa và biến đổi giữa “động” và “tĩnh”. “Dốc im lặng” cũng thế:
“Ai giã gạo âm âm cối đá
Ai húp cháo sột soạt lá đa
Ai gõ cửa lào thào canh vắng
Ai chổi tre loẹt quẹt guốc sân nhà”
(Vu lan)
Phải tĩnh lặng vô vi mới có thể nghe thấy những âm thanh mơ hồ, liêu trai của đêm rằm tháng Bảy. Thời gian tưởng như đang đứng im. Không gian tưởng lặng tờ. Người tưởng như không. Bên trong im ắng đến tận tâm can ấy vọng âm của những chuyển động hư thực, vừa ở cõi người, vừa ở cõi tâm linh nào đó qua những từ láy: âm âm, sột soạt, lào thào, loẹt quẹt.
Và đây nữa. Sự “yên tĩnh mong manh” chuyển động một cách ngạc nhiên:“Yên tĩnh luồn rỗng xác mây/ Mái đền xổ bóng rồng bay giữa trời”. Trần Thắng “yên tĩnh” mà lại có thể dụng từ trơn tru, trót lọt, khéo léo: “luồn rỗng”. Mái đền là chủ thể tĩnh, Trần Thắng vẽ thành bóng rồng bay giữa yên tĩnh bất tận.
Tôi gặp một Trần Thắng đạt tới cảnh giới tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng ấy giúp anh quán chiếu, khiến anh “thảnh thơi đồng vọng tiếng chuông chùa làng”. Tiếng chuông chùa vọng vào thơ an yên và thơ lắng đọng những âm thanh cuộc sống rõ ràng nhất, sống động nhất.
Cũng nhờ tĩnh lặng, nhà thơ như cảm được những chuyển động luân hồi, nghe được những vô thanh ru mình:
“Nằm vật trên đê ngút gió
Đất ấm xông từng thớ thịt
Ai gọi đó?
Hay thì thầm của cỏ?
Ngủ đi... ngủ đi...
Xanh biếc sẽ về”
(Hành hương)
Trần Thắng dùng sự tĩnh lặng để dung nạp, tư duy và khắc họa trong thơ dòng chảy của thời gian và tạo vật. Không phải tự nhiên mà những câu từ, con chữ đó lại có sức nặng, níu giữ khiến tôi đọc đi đọc lại bài nọ bài kia. “Dốc im lặng” với tôi là dòng thơ suy tưởng. Để rồi nhận ra thi tập đầy ắp những mảng màu đối lập này là một tổng thể đồng nhất của động và tĩnh, hòa quyện vào nhau, cộng sinh, nâng đỡ nhau, tạo nên bản giao hưởng nội tâm sâu sắc và mạnh mẽ.
Trong họa có thơ. Trong thơ có họa.
Người La Mã cổ đại cho rằng "họa là thơ không lời, thơ là họa có lời". Nhiều nhà phê bình văn học Trung Quốc cũng nhấn mạnh quan niệm “thơ là họa vô hình, họa là thơ hữu hình” hay “thơ là hoạ hữu thanh, họa là thơ vô thanh”. Có những so sánh: Bài thơ này giống như một bức tranh, hay: bức tranh này giống như một bài thơ, điều đó có trong “Dốc im lặng”.
Đan xen giữa những trang thơ là 32 bức tranh trừu tượng của họa sĩ Trần Thắng. Đặc biệt dưới mỗi bức tranh đều có một bài thơ tứ tuyệt, hai câu đầu là của nhà báo lão thành, nhà thơ Trần Mai Hưởng (nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam) cảm tác từ chính bức tranh đó, hai câu tiếp theo là của Trần Thắng đáp lễ. Những câu thơ lục bát làm đề từ thi họa ấy là những tâm sự, những triết lý nhân sinh sâu sắc của hai tâm hồn tri kỷ:
“Mưa như lửa cháy ngang trời
Nhập nhòa hư ảo phận người đỏ đen
Hai ngàn năm trước đảo điên
Một trời mưa máu Chúa đền thế gian”
(Đề từ cho tranh Mưa đỏ)
Hay:
“Dòng sông về cõi luân hồi
Nhân gian hai nửa cuộc đời đỏ xanh
Nỗi niềm giấu những khúc quanh
Nhớ quên tìm lại bỗng thành cổ nhân.”
(Đề từ cho tranh Bóng núi)
Tập thơ có tới 45 lần nhắc tới từ “quê”. Bức tranh quê của Trần Thắng dàn trải sâu rộng, đầy màu sắc cuộc sống từ thơ ấu:
“Tuổi thơ lặn ngụp phù du giỡn sóng/ Đuổi nhau lăn lóc cải vàng/ Thuyền giấy thả nhái xanh thủy thủ/ Ngỡ chân trời thật gần/ Sau khúc uốn mềm mại hoa gạo dụi lửa miếu thờ”// Tuổi thơ thật đẹp thật gần sau khúc uốn mềm mại kia”
(Sông chân trời).
Và khi trưởng thành, đi xa, thương nhớ, hoài niệm, trở về quê hương ở tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, bức tranh quê hương của họa sĩ - nhà thơ chân thành, thật thà và cảm xúc nghẹn ngào: “Khói loang đẫm ướt vạt đê/ Nồi bánh chưng ủ bốn bề nhớ thương/ Củi lửa ấm chuyện cố hương/ Hơ tay chằng chịt những đường liêu xiêu” (Tất niên); hay“Ký ức gọi phù sa nức nở/ Vớt tim mình dưới đáy vực sâu” (Sông chân trời). Có những thi ảnh bất ngờ: “Tháng ba háo nước/ Sông xanh gầy rộc bãi ngô non/ Tiếng thở dài vuông mắt lưới/ Mây ráng bão xa”. Trần Thắng khắc họa hình ảnh mẹ thương lắm. Người mẹ trong thơ anh trăn trở, chất chứa nỗi niềm mà đầy bao dung, và đức hy sinh:
“Bánh chưng gói chẳng còn vuông
Người run bóng lá vịn tường loang rêu …
Bậu cửa thấp bước chẳng qua
Thẫn thờ nhìn khói như là tập quên
Quen mặt lắm chẳng nhớ tên
Giữ tay mẹ chúc gặp duyên gặp lành
Tóc in tuổi trắng mong manh
Một đời quanh bếp tay thành củi khô
Hoa cau rụng kín giấc mơ
Đêm qua mẹ khóc bơ vơ cha về…”
(Tết của mẹ)
Tôi đã đọc bài thơ “Tết của mẹ” bao nhiêu lần, chưa lần nào cảm xúc vơi đi. Suốt hành trình sống của mình, anh nặng trĩu những tâm tư về phận người, cảnh làng quê, những vật thể hiện hữu trong không gian của đồng bằng Bắc Bộ xoay quanh bức tranh chân thực nhất mỗi lần về bên mẹ.
Nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy.” Với Trần Thắng “Dốc im lặng”, tiếng lòng là tĩnh lặng của linh cảm đầy ắp thanh âm và hình ảnh cuộc đời này. Còn nhiều gửi gắm mà tôi chưa thể đọc hết. Tôi không hiểu sao tập thơ này lại ngốn của mình nhiều thời gian đến thế. Hình như hơn năm mươi năm có mặt trên cuộc đời này, Trần Thắng chẳng nói nhiều mà dồn tâm sức để quan sát, tư duy, gom góp, chắt chiu những giọt đời, dồn lên đầu cọ, dồn lên đầu bút phóng khoáng nên thơ nên họa.