Cả nước có 3,92% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm đầu năm 2024, cả nước có 1,83 triệu người, tương ứng với 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện.
So với thời điểm đầu năm 2023, số người tham gia BHXH tự nguyện hiện tăng hơn 500.000 người (đầu năm 2023 có hơn 1,4 triệu người tham gia).
Còn so với chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BXHH, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH vượt xa đích trước 2 năm, tiến gần đến mục tiêu của năm 2030. Cụ thể, Nghị quyết số 28-NQ/TƯ đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, cả nước có khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tham gia chính sách; đến cuối năm 2030, tỷ lệ này tăng lên 5%.
BHXH tự nguyện dành cho nhóm lao động làm công việc tự do, làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, hướng đến mục tiêu mở rộng lưới an sinh, tạo điều kiện cho tất cả lao động trong độ tuổi đều có thể tham gia BHXH, giúp họ có lương hưu khi về già. Đó cũng là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Để đạt kết quả nêu trên, những năm qua, Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng cho tất cả người dân tham gia BHXH tự nguyện. Hiện nay, lao động thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 30% mức đóng, lao động thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%; các đối tượng khác được hỗ trợ 10% mức đóng.
Ngoài mức hỗ trợ chung, nhiều tỉnh, thành phố tự cân đối kinh phí từ ngân sách, đồng thời huy động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện. Chẳng hạn, tại Hà Nội, người dân tham gia chính sách này giai đoạn 2022-2025 được hỗ trợ mức đóng cao gấp 2 lần so với quy định chung của trung ương. Một số quận, huyện còn hỗ trợ mức đóng cao hơn so với quy định của thành phố, tạo điều kiện cho các thành viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng “0 đồng”.
Cùng với việc hỗ trợ mức đóng, các ban, ngành, tổ chức hội, đoàn thể từ trung ương đến cơ sở chú trọng đưa chính sách BHXH tự nguyện đến với người dân bằng nhiều giải pháp linh hoạt. Hiện cả nước có 23 mô hình tiêu biểu về truyền thông, phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện. Điển hình là mô hình truyền thông tư vấn nhóm nhỏ 1-1 (một cán bộ tư vấn và một người dân); mô hình “Tổ phụ nữ tiết kiệm tham gia BHXH”; “Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện”...